Bài 2: Linh hoạt ứng phó với biến động tỷ giá

Nhìn lại một năm CSTT 2022: Bản lĩnh đương đầu với 'sóng lớn'

Nhờ có những động thái can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trong nước bắt đầu có xu hướng “dịu” lại, đến cuối năm 2022 tỷ giá USD/VND chỉ cao hơn khoảng 3,5% so với đầu năm.
Nhìn lại một năm CSTT 2022: Bản lĩnh đương đầu với 'sóng lớn' ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bài 2: Linh hoạt ứng phó với biến động tỷ giá

Trước chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước để đối phó lạm phát leo thang, thị trường chứng kiến USD tăng giá chóng mặt, lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. Ngược lại, euro và các ngoại tệ khác bị đẩy xuống đáy, thấp nhất từ 20-37 năm trở lại đây.

Ở trong nước có thời điểm tiền đồng giảm gần 9% so với USD. Con số này cho thấy áp lực tỷ giá là rất lớn và dự báo sẽ còn nhiều biến động trong bối cảnh bức tranh tài chính toàn cầu vẫn khó lường trong năm 2023.

Áp lực chưa từng có

Từ tháng 9/2022, thị trường ngoại hối trong nước gặp áp lực lớn sau khi lạm phát toàn cầu liên tục tăng mạnh, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành khiến đồng bạc xanh tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. Tâm lý găm giữ tỷ giá tăng trở lại.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 6 lần điều chỉnh tăng giá bán USD chỉ trong vỏn vẹn 2 tháng (từ tháng 9-11/2022), với mức tăng tổng cộng tới 1.720 đồng, tương đương tăng 7,4%.

Cùng với quyết định tăng giá bán USD, ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%, có hiệu lực ngay. Giá bán ra USD lập tức điều chỉnh tăng vọt từ 23.925 đồng lên 24.380 đồng, tương đương mức tăng tới 455 đồng. Đây là bước tăng mạnh chưa từng thấy của nhà điều hành trong nhiều năm qua.

[Tỷ giá qua "cơn sóng gió": Giảm áp lực lên lãi suất cho vay]

Thời điểm đó, tiến sĩ Võ Trí Thành đánh giá áp lực lên tỷ giá, lạm phát là rất lớn, việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá là cần thiết. Đây cũng là cách để một phần giảm áp lực với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và cũng tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn. Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác cũng như trong bối cảnh Fed và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất.

Nhìn lại một năm CSTT 2022: Bản lĩnh đương đầu với 'sóng lớn' ảnh 2Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước tăng cường bán ngoại tệ từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để can thiệp thị trường (ước bán khoảng 25 tỷ USD) đồng thời tái khởi động phát hành tín phiếu trên thị trường mở sau hơn hai năm ngừng hoạt động này nhằm hỗ trợ thanh khoản.

Đặc biệt trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 đợt tăng mạnh lãi suất điều hành, mà một trong những mục tiêu là nhằm cân đối lại biến động tỷ giá USD/VND.

Nhìn lại một năm CSTT 2022: Bản lĩnh đương đầu với 'sóng lớn' ảnh 3Tỷ giá trung tâm liên tục đi xuống trong những phiên gần đây. Đơn vị: Đồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng chia sẻ việc điều hành tỷ giá năm 2022 chịu sự giám sát nâng cao của phía Hoa Kỳ, trước sức ép đồng USD tăng cao, nếu thực hiện theo cam kết, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó ổn định được thị trường. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đàm phán với phía Mỹ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.

Làm “dịu” cơn sốt

Nhờ có những động thái can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, cùng với chuyển biến mới trên thị trường thế giới, đến đầu tháng 11/2022, tỷ giá trong nước bắt đầu có xu hướng “dịu” lại, đến cuối năm 2022 tỷ giá USD/VND chỉ cao hơn khoảng 3,5% so với đầu năm, thấp hơn so với các đồng tiền khác trên thế giới (như Nhân dân tệ giảm 9,86%, Won Hàn Quốc giảm 8,64%, Yên Nhật giảm 14,97%).

Hoạt động trên thị trường ngoại tệ về cơ bản đã diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các tổ chức tín dụng đáp ứng, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Để có được kết quả này, sáng 11/11/2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước xuống 10 đồng, còn 24.860 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá giao dịch trong năm 2022, sau khi đã tăng 6 lần kể từ đầu năm.

Nhìn lại một năm CSTT 2022: Bản lĩnh đương đầu với 'sóng lớn' ảnh 4Ổn định nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiếp sau đó, ngày 18/11, 25/11 và 9/12/2022 Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục điều chỉnh giảm. Mỗi lần, tỷ giá USD bán giao ngay đều có cùng mức giảm là 10 đồng. Như vậy, tỷ giá USD bán giao ngay từ mức 24.860 đồng/USD vào ngày 11/11 đã được điều chỉnh xuống mức 24.830 đồng/USD vào ngày 9/12/2022.

Vì vậy, tỷ giá trung tâm cũng đã liên tục được điều chỉnh giảm: Từ mức đỉnh 23.700 đồng/USD vào ngày 24/10 được hạ xuống còn 23.612 đồng/USD vào ngày 30/12/2022, tức giảm 88 đồng.

Cùng với đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh giảm. Tại ngân hàng Vietcombank, giá USD bán ra ngày 30/12/2022 ở  mức 23.760 đồng/USD đã giảm 1.126 đồng so với ngày 24/10 (24.885 đồng). Các ngân hàng thương mại khác cũng có mức độ giảm tương tự.

Nhìn lại một năm CSTT 2022: Bản lĩnh đương đầu với 'sóng lớn' ảnh 5Tỷ giá tại Vietcombank từ 24/10 đến 31/12/2022. Đơn vị: Đồng

Tính đến cuối năm, tỷ giá trung tâm tăng gần 2,4% so với hồi đầu năm, còn tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng 3,5%.

Các chuyên gia SSI đánh giá sức mạnh đồng USD tăng nhanh khiến nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh, Việt Nam không ngoại lệ dù mức giảm giá tiền đồng thuộc vào nhóm thấp nhất thế giới.

“Nhìn chung, tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động tiền đồng và USD,” khối phân tích của Công ty chứng khoán SSI đánh giá.

Bên cạnh đó, theo SSI, tỷ giá cuối năm giảm còn nhờ các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, chẳng hạn như vốn FDI giải ngân, lượng vốn đầu tư gián tiếp, cán cân thương mại thăng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân vào cuối năm.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng áp lực đối với tỷ giá có thể trở lại nhưng khó có thể ở mức tiêu cực như trong năm 2022 vì sức ép cũng đã giảm dần. Theo kế hoạch, Fed vẫn sẽ tăng thêm lãi suất trong năm 2023, tuy nhiên áp lực sẽ nhẹ hơn do USD đã chững đà tăng so với hầu hết các đồng tiền khác, bao gồm cả tiền đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng Việt Nam rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới, khi Fed sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất.

“Mặc dù sức ép đã giảm đi nhưng chưa thể chủ quan, đồng USD sẽ còn nhiều biến động nếu lạm phát kinh tế Mỹ không được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định mục tiêu duy trì ổn định của thị trường ngoại tệ, có thể quay lại mua ngoại hối khi điều kiện thị trường thuận lợi,” ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục