Nhìn lại Cuba trong năm 2019: Vững tay chèo trong cơn sóng cả

Cuba vẫn là bến đỗ bình lặng giữa một Mỹ Latinh đang sục sôi những cuộc biểu tình, phản đối xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong suốt năm qua.
Nhìn lại Cuba trong năm 2019: Vững tay chèo trong cơn sóng cả ảnh 1Giếng khoan dầu mỏ theo công nghệ trục ngang tại Boca de Jaruco, tỉnh Mayabeque, Cuba, ngày 4/10/2019. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Cuba bắt đầu năm 2019 bằng lễ kỷ niệm 60 năm Cách mạng thành công (1/1/1959), được tổ chức tại “thành phố anh hùng” Santiago, nơi luôn được coi là thành trì cách mạng.

Trong bài diễn văn, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raúl Castro đã tái khẳng định quyết tâm theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng thừa nhận những khó khăn thách thức to lớn mà đảo quốc Caribe này phải đối diện trong năm, cả từ những chuyển biến cơ cấu kinh tế chưa như mong đợi trong nước lẫn từ môi trường khu vực và quốc tế ít thuận lợi, đặc biệt là thái độ ngày càng “diều hâu” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

[Kinh tế Cuba tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2019]

Có thể nói đây chính là những tiên đoán chính xác và những nét phác họa tổng quát nhất của tình hình Cuba năm 2019.

Trong kỳ họp thứ IV khóa IX Quốc hội Cuba vừa kết thúc ngày 21/12, báo cáo của Chính phủ Cuba về tình hình kinh tế-xã hội cũng nhận định năm 2019 được đánh dấu bởi chính sách thắt chặt cấm vận của Mỹ, cùng tình hình quốc tế và khu vực phức tạp, với nhiều yếu tố bất lợi cho quá trình phát triển của đảo quốc Caribe.

Về mặt đầu tư thương mại, Washington áp dụng hoàn toàn điều III Luật Helms-Burton, phép các công dân Cuba có tài sản bị quốc hữu hóa, sau khi nhập quốc tịch Mỹ, được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ.

Biện pháp cực đoan bị ngay chính các đồng minh của Mỹ phản đối này, và từng bị đình hoãn liên tục trong hơn 20 năm do tính phức tạp về pháp lý, tạo thêm nhiều rào cản cho các nhà đầu tư và các đối tác thương mại nước ngoài của Cuba, đặt họ vào tình thế rủi ro có thể bị khởi kiện tại các tòa án Mỹ.

Đối với ngành du lịch, nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai và là ngành kinh tế tăng trưởng đều đặn nhất trong 5 năm trước của Cuba, Washington ngừng cấp phép cho loại hình thăm Cuba theo nhóm vì mục đích trao đổi giáo dục, văn hóa (về luật pháp, Cuba là nước duy nhất trên thế giới mà Mỹ cấm công dân nước mình tới du lịch, nên người dân Mỹ muốn thăm Cuba phải đăng ký đi theo 1 trong 12 loại hình định sẵn), và sau đó là cấm các hãng du lịch tàu biển của Mỹ được cập cảng Cuba và cấm các hãng hàng không dân dụng của Mỹ bay tới các địa phương Cuba ngoài thủ đô La Habana.

Các biện pháp này không chỉ ảnh hưởng tới hàng triệu du khách Mỹ muốn thăm Cuba, mà còn khiến rất nhiều du khách từ nước thứ ba muốn thăm cả 2 quốc gia này gặp nhiều trở ngại.

Trong hoạt động xuất khẩu các dịch vụ y tế, nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Cuba (đạt khoảng 6,4 tỷ USD năm 2018 theo công bố chính thức), vài tháng qua, Cuba phải hồi hương 700 y, bác sỹ từ Bolivia sau khi Tổng thống Evo Morales buộc phải từ chức và chính phủ lâm thời hữu khuynh lên cầm quyền.

Chính phủ thân Mỹ ở Ecuador cũng ngừng hợp đồng đối với khoảng 400 y, bác sỹ Cuba làm việc tại quốc gia Nam Mỹ.

Trong tất cả các trường hợp này, ảnh hưởng từ lập trường của Chính phủ Mỹ là rất rõ ràng khi Washington công khai vận động và “hoan nghênh” tức thì các quyết định trên.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã mở một chiến dịch quốc tế nhằm bôi nhọ và bóp méo các hoạt động y tế quốc tế vốn có uy tín rất cao của Cuba, tài trợ cho các dự án phá hoại hoạt động của các phái đoàn y tế Cuba, hay thông qua các tổ chức đa phương mà Washington có ảnh hưởng chi phối, đặc biệt là Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS).

Với việc ngừng cấp loại thị thực 5 năm và ra vào nhiều lần cho công dân Cuba, thay bằng thị thực 3 tháng với chỉ 1 lần nhập cảnh, sau khi đã chuyển các dịch vụ lãnh sự của mình tại Cuba sang Mexico, Washington gần như “đóng cửa” nhập cảnh với người dân Cuba, chỉ ngoại trừ những người có thị thực từ trước và vẫn còn hiệu lực.

Bước đi này cộng với việc siết chặt quy định về tần suất và cách thức đi lại thăm thân của kiều dân Cuba tại Mỹ đã tác động mạnh tới nguồn kiều hối từ Mỹ vào Cuba, vốn thường được chuyển theo người do phí ngân hàng cho dịch vụ này bị đội lên quá cao vì rào cản cấm vận tài chính của Washington.

Ở chiều nhập khẩu, từ tháng Sáu, Washington đã mở chiến dịch “săn lùng” và trừng phạt các hãng vận tải biển chuyên chở dầu thô từ Venezuela về Cuba, nhằm cắt đứt “mạch máu” kinh tế của “hòn đảo tự do.”

Cuba phải nhập khẩu khoảng 50% lượng xăng dầu tiêu thụ và cùng với lương thực, mặt hàng nhiên liệu này chiếm tới 40% tổng giá trị nhập khẩu của đảo quốc Caribe này.

Hệ quả của biện pháp này lên tới đỉnh điểm vào tháng Chín, với đợt khan hiếm xăng dầu và điện năng trên bình diện toàn quốc tại Cuba. Đó là chưa kể hàng loạt biện pháp chống phá khác từ siết chặt cấm vận tài chính và gia tăng trừng phạt các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có giao dịch ngân hàng với Cuba, kích động chống phá từ bên trong cho tới hạn chế hoạt động của các nhà ngoại giao Cuba tại Mỹ...

Các biện pháp cấm vận trên khiến đảo quốc này không thể đạt mục tiêu vốn đã khiêm tốn cho năm nay là tăng trưởng kinh tế 1,5%.

Thế nhưng, các “tay chèo” của con thuyền cách mạng Cuba vẫn trụ vững trong cơn giông tố đó, ngay cả khi các biện pháp ngặt nghèo trên được Washington đưa ra vào đúng giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại Cuba, năm đầu tiên tại nhiệm của Chủ tịch Miguel Díaz-Canel.

Cuba vẫn là bến đỗ bình lặng giữa một Mỹ Latinh đang sục sôi những cuộc biểu tình, phản đối xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong suốt năm qua.

Năm 2019, Cuba không chỉ hoàn thành lộ trình lập pháp đã đề ra, bao gồm việc thông qua và ban hành Hiến pháp mới, hoàn thiện bộ máy lãnh đạo cấp nhà nước, ban hành các luật trong khung pháp lý của văn bản luật cơ bản này; mà còn đưa ra một số chính sách kinh tế-xã hội diện rộng, trong đó đáng kể nhất là việc tăng lương cho hơn 1,4 triệu lao động hưởng lương hoàn toàn từ ngân sách Nhà nước (tương đương 1/3 lực lượng lao động) - đồng thời áp dụng các biện pháp áp trần giá cả để tránh lạm phát phái sinh từ quyết định này, mở bán một số mặt hàng trực tiếp bằng ngoại tệ và triển khai 28 biện pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả.

Theo ước tính chính thức, dù kinh tế Cuba không tăng trưởng như mục tiêu đề ra, nhưng cũng không rơi vào suy thoái.

Sự khác biệt của Cuba với đa phần các nước trong khu vực là môi trường chính trị-xã hội ổn định, mà để đạt được, có thể nói tới 2 yếu tố chính Đầu tiên là Đảng và Nhà nước Cuba luôn đề ra kế hoạch hoặc phương hướng có tầm nhìn và có đủ sự kiên định để thực hiện định hướng đó.

Ngay từ khi bắt đầu tiến trình “cập nhật mô hình kinh tế-xã hội” năm 2011, nhà lãnh đạo Raúl Castro đã đề ra phương châm “không ngừng nhưng không vội,” kể từ đó Cuba luôn tiến hành các bước cải cách một cách tuần tự, thận trọng, không vội vàng đẩy nhanh khi môi trường quốc tế thuận lợi và cũng không rối loạn tìm kiếm các liệu pháp sốc trong những tình thế khó khăn.

Nhìn lại Cuba trong năm 2019: Vững tay chèo trong cơn sóng cả ảnh 2Ngày 19/11, Tập đoàn đầu tư và thương mại Thái Bình tổ chức khánh thành nhà máy sản xuất tã lót và băng vệ sinh tại Đặc khu phát triển Mariel, đưa cơ sở sản xuất có vốn đầu tư của Việt Nam đầu tiên tại Cuba chính thức đi vào hoạt động. (Ảnh: Vũ Lê Hà/TTXVN)

Yếu tố thứ hai là việc người dân Cuba vẫn giữ được tinh thần đoàn kết, kiên cường và lạc quan. Minh chứng rõ ràng nhất cho đặc điểm này chính là những gì diễn ra trong 2 tuần “thử lửa” hồi tháng Chín vừa qua khi Cuba phải đối diện tình trạng khan hiếm xăng dầu và điện năng trầm trọng: tại các bến xe buýt hay các điểm nút giao thông đã có vô vàn những cử chỉ hào hiệp tương trợ cho người xa lạ đi nhờ, nhường nhịn người già, phụ nữ, trẻ em; những lời động viên, những câu chuyện tiếu lâm và những nụ cười cùng những hành động tương ái để cùng nhau vượt qua nhiều giờ xếp hàng tại các quầy đổ xăng. Trên cả nước Cuba đã không ghi nhận một vụ bạo loạn, đập phá nào.

Chính nhờ nền tảng của sự ổn định và đoàn kết xã hội đó, các biện pháp mà Chính phủ Cuba đưa ra nhằm ứng phó với tình thế khó khăn, đã mang lại hiệu quả, đồng thời không gây ra xáo trộn hay bất bình xã hội.

Nổi bật nhất trong số các hành động ứng phó “tình thế mới” này là 37 biện pháp tiết kiệm, như lập kế hoạch cắt điện luân phiên dự trù cho tình huống xấu; áp dụng mô hình làm việc từ xa tận dụng tiến trình tin học hóa; ưu tiên sử dụng đường sắt trong việc vận tải hàng hóa và giao thông liên tỉnh…

Năm 2020, Cuba dự báo Mỹ sẽ tiếp tục các biện pháp thắt chặt cấm vận, và do đó, chỉ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 1%, đồng thời tiết kiệm sẽ vẫn là “cuộc chiến thường nhật.”

Các nhiệm vụ kinh tế vĩ mô ưu tiên của Cuba năm tới gồm có tăng cường và đa dạng hóa xuất khẩu, thúc đẩy các hoạt động sản xuất thay thế nhập khẩu, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm, thúc đẩy các dự án phát triển địa phương, cải thiện trật tự tiền tệ và hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước...

Đây không phải những nhiệm vụ mới, mà đều nằm trong lộ trình “Cập nhật mô hình kinh tế-xã hội,” nhưng đòi hỏi phải có những lực đẩy mới - bên cạnh kinh nghiệm và sự ổn định, mà nội các mới của Cuba có thể mang lại.

Mô hình của Cuba vẫn còn nhiều khiếm khuyết và bất cập mà chính lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba vẫn luôn thẳng thắn thừa nhận, nhưng mô hình đó đã chứng tỏ được sự kiên cường trong những cơn “giông tố” khốc liệt nhất với sự ủng hộ và đoàn kết của nhân dân.

Từ đó, "con tàu" Cuba có thể tiến lên trên con đường phát triển với đúng tốc độ mong muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục