Trao đổi với báo chí chiều nay (4/8), ông Ngô Hướng Nam - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) cho biết, Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2015) sẽ diễn ra vào sáng 27/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội).
Lễ kỷ niệm này được tổ chức với quy mô tương đương Lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai cuộc hội thảo khoa học sẽ được tổ chức trong dịp này tại Hà Nội: hội thảo “70 năm ngoại giao vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (sáng 12/8) và hội thảo “Ngoại giao Việt Nam: 70 năm truyền thống và định hướng tương lai” (sáng 20/8).
Các tham luận của các học giả trong nước và quốc tế sẽ tập trung đánh giá những đóng góp của ngành ngoại giao trong 70 năm qua đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước cũng như giữ vững hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và định hướng phát triển trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngoại giao Việt Nam, nhiều tranh, ảnh, hiện vật, tư liệu về lịch sử của ngành sẽ được giới thiệu tại cuộc triển lãm bên lề lễ kỷ niệm chính thức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế và cuộc triển lãm tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (số 148 Giảng Võ, Hà Nội) trong thời gian từ ngày 28/8-3/9.
Cũng trong buổi chiều nay, ông Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao đã giới thiệu những mốc chính trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của ngành ngoại giao Việt Nam.
Theo đó, lịch sử ngành ngoại giao đã trải qua những chặng đường cơ bản: Ngoại giao những ngày đầu non trẻ (19/8/1945-19/12/1946); Ngoại giao và toàn quốc kháng chiến (12/1946-7/1954); Ngoại giao-Tăng sức mạnh cho chiến trường (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ 1954-1975) và Ngoại giao-Tái thiết đất nước và sự nghiệp Đổi mới (1975 đến nay).
Cụ thể, ngày 28/8/1945, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đây chính là ngày thành lập Bộ Ngoại giao.
Cuộc tổng quyển cử ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội khóa I, thông qua Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam với chương trình đối ngoại: “Làm sao cho các nước công nhận nền độc lập của nước Việt Nam.”
Năm 1950, Việt Nam phá thế bao vây, thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (18/1/1950), Liên Xô (30/1/1950), Triều Tiên (31/1/1950), Cộng hòa Dân chủ Đức (2/2/1950), Romania (3/2/1950), Bulgaria (8/2/1950)…
Sau khi Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết (20/7/1954), Nghị quyết của Bộ chính trị nêu rõ: Chính sách ngoại giao của ta là xây dựng và phát triển quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi và tôn trọng lãnh thổ, chủ quyền của nhau.
Ngày 2/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đặt tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quan hệ quốc tế của Việt Nam được mở rộng, thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước Đông Nam Á và nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản, Ấn Độ…
Đến tháng 8/2015, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185/193 thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước; có quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước; có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.