Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ 2018 kết thúc với cán cân quyền lực chia đều cho cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Chiều 7/11 theo giờ Việt Nam, các kết quả bỏ phiếu tại những bang cuối cùng của nước Mỹ dần được công bố với ưu thế đa số về tay đảng Dân chủ tại Hạ viện, còn đảng Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Tính đến 17 giờ 15 chiều cùng ngày, theo CNN, đảng Dân chủ đã giành được 222 ghế tại Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa sở hữu 199 ghế. Còn tại Thượng viện 100 ghế, những người theo đường lối bảo thủ nắm giữ 51 ghế, trong khi 45 ghế thuộc về những người theo đường lối tự do.
Lịch sử trong quá khứ cho thấy bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ là một sự kiện vô cùng quan trọng, quyết định rất nhiều tới con đường còn lại trong nhiệm sở của một Tổng thống Mỹ, cũng như định hình tương lai chính trị của Xứ cờ hoa trong hai năm tới.
Với kết quả trên, trong chặng đường nửa cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền Cộng hòa chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chương trình nghị sự hiện tại, cũng như nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận từ các đối thủ chính trị để thúc đẩy việc thông qua các dự luật.
Nhân sự kiện này, hãy cùng điểm lại các kết quả các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ trong vòng 20 năm qua.
Năm 2014: Nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama (đảng Dân chủ)
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 4/11/2014, đảng Cộng hòa đã giành trọn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội.
[Bầu cử Mỹ: Đảng Dân chủ giành được hơn 200 ghế tại Hạ viện]
Tại Hạ viện, đảng Cộng hòa đã giành được 243/435 ghế. Tại Thượng viện, đảng Cộng hòa đã giành được thêm 7 ghế từ đảng Dân chủ, nâng số ghế mà đảng này nắm được tại Thượng viện lên 52/100.
Kết quả này được xem là một kỳ tích của đảng Cộng hòa khi lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 chiếm được số lượng ghế nhiều nhất tại cả Quốc hội liên bang và chính quyền các bang. Với kết quả này, đảng Cộng hòa đã nắm trọn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội.
Năm 2010: Nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama (đảng Dân chủ)
Trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ diễn ra ngày 2/11/2010, đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Obama đã thất bại khi mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa và chỉ may mắn giữ được ưu thế mong manh tại Thượng viện.
Cụ thể, tại Thượng viện, đảng Dân chủ giành được 51/100 ghế; đảng Cộng hòa chiếm 46/100 ghế. Còn tại Hạ viện, đảng Cộng hòa chiếm đến 240/435 ghế và đảng Dân chủ chỉ còn kiểm soát được 183/435 ghế; và chiếm 37/50 ghế Thống đốc bang.
Đây được coi là thất bại nặng nề của Đảng Dân chủ và cũng được xem là lời cảnh báo đối với Tổng thống Obama trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012.
Năm 2006: Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ George W. Bush (đảng Cộng hòa)
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ ngày 7/11/2006, đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Hạ viện với 229/435 ghế, so với 197 ghế của đảng Cộng hòa.
Còn tại Thượng viện, đảng Dân chủ đã giành được 51/100 ghế; và chiếm 28/50 ghế Thống đốc bang. Với thắng lợi này, đảng Dân chủ đã trở lại kiểm soát hoàn toàn cơ quan lập pháp Mỹ sau 12 năm do đảng Cộng hòa nắm giữ.
Năm 2002: Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ George W. Bush (đảng Cộng hòa)
Trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra ngày 5/11/2002, đảng Cộng hòa đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, với 227/435 ghế Hạ viện và 51/100 ghế Thượng viện.
Với kết quả này, đảng Cộng hòa của Tổng thống Bush trở thành đảng cầm quyền thứ ba trong vòng 1 thế kỷ ở nước Mỹ duy trì được quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, sau thời của Tổng thống Franklin Roosevelt năm 1934 và Tổng thống Bill Clinton năm 1998, trở thành đảng cầm quyền đầu tiên giành quyền kiểm soát đa số tại Thượng viện từ thời Tổng thống Ronan Reagan năm 1982.
Năm 1998: Nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton (đảng Dân chủ)
Trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ngày 3/11/1998, tại Hạ viện, đảng Dân chủ giành được 211/435 ghế (thêm 5 ghế so với khóa trước) và đảng Cộng hòa được 223/435 ghế.
Còn tại Thượng viện, đảng Dân chủ giữ nguyên được 45 ghế so với 55 ghế của đảng Cộng hòa. Ở cuộc bầu cử Thống đốc bang, đảng Dân chủ vẫn giữ được 17 ghế, còn đảng Cộng hòa được 31 ghế, chịu mất 1 ghế vào tay những ứng cử viên độc lập.
Với kết quả này, đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện. Tuy nhiên, kết quả này vẫn được coi là khả quan hơn so với tình trạng trước bầu cử của đảng Dân chủ./.