Nhìn lại 2022: Đà Nẵng bứt phá trong phục hồi, phát triển KT-XH

Năm 2022, kinh tế Đà Nẵng dần phục hồi và có bước phát triển mạnh, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; GRDP tăng 14,05% so với năm trước.
Nhìn lại 2022: Đà Nẵng bứt phá trong phục hồi, phát triển KT-XH ảnh 1Công đoạn kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng tại Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, ngay từ đầu năm 2022, cả hệ thống chính trị thành phố Đà Nẵng đã tập trung thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và Kế hoạch thực hiện Chủ đề “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.”

Nhờ đó, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố được kiểm soát, kinh tế dần phục hồi và có bước phát triển mạnh, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; GRDP tăng 14,05% so với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bứt phá trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội

Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, quy mô nền kinh tế toàn thành phố theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 120% dự toán.

Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm 68,38%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,43%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,95% và thuế sản phẩm chiếm 9,24% trên tổng GRDP. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục dịch chuyển với xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ thêm 1,62 điểm phần trăm so với năm 2021.

[Đà Nẵng xếp thứ 3 cả nước về tốc độ phát triển kinh tế năm 2022] 

Là trụ cột chính trong nền kinh tế thành phố Đà Nẵng, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ và ấn tượng. Số lượt khách lưu trú năm 2022 tăng gấp 3,1 lần so với năm 2021; doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt 8.872 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2021; doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 21.300 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần năm 2021.

Nhiều sự kiện, hoạt động du lịch hấp dẫn, quy mô quốc gia và quốc tế đã được tổ chức thành công trong năm qua như hội chợ du lịch trực tuyến Danang Fantasticity; lễ hội Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2022; Giải Golf phát triển châu Á; Diễn đàn phát triển đường bay châu Á-Routes Asia 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam; hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022...

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết năm 2023, ngành Du lịch đặt mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn “chất lượng cao,” thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá, cập nhật xu hướng thị trường, bảo đảm an ninh, an toàn điểm đến; phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15-20% so với năm 2022.

Bên cạnh lĩnh vực du lịch, lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng cũng đã ổn định và phục hồi ấn tượng trong năm 2022.

Nhìn lại 2022: Đà Nẵng bứt phá trong phục hồi, phát triển KT-XH ảnh 2Một trong 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển của Đà Nẵng là “Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.” (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ông Lâm Phùng Út, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Huỳnh Đức (Khu công nghiệp Hòa Khánh Mở Rộng, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: “Trong năm qua, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, thu hút đầu tư… Các hoạt động này đã hỗ trợ công ty trong việc tìm kiếm đối tác, phát triển sản phẩm. Vừa qua, thành phố đã khởi công Bến cảng Liên Chiểu, tôi kỳ vọng khi đi vào hoạt động, bến cảng mới này sẽ giúp các doanh nghiệp trên địa bàn có thể xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí vận chuyển.”

Tập trung xử lý các tồn tại, vướng mắc

Tuy nhiên, trong năm 2022, nền kinh tế thành phố Đà Nẵng còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ, thành phố cần sớm khắc phục các vấn đề: tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều, một số ngành công nghiệp (dệt, chế biến gỗ, sản xuất phương tiện vận tải, sản xuất hóa chất…) đối mặt với khó khăn chưa thể phục hồi.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mặc dù được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra (đạt 88,2% kế hoạch); thu hút FDI giảm về số vốn so với cùng kỳ (bằng 46,8% so với năm 2021); việc triển khai đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp mới chậm tiến độ, chưa đảm bảo hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất…

Về các khó khăn trong thực hiện các dự án động lực, trọng điểm và công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết có nhiều nguyên nhân. Trong đó vướng mắc lớn nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng tái định cư còn chậm, nhiều bất cập, thiếu sự đồng thuận ủng hộ của người dân.

Việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị trong lĩnh vực đầu tư công trong những tháng đầu năm còn lúng túng do các văn bản luật chưa có sự thống nhất. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án còn thiếu quyết liệt trong đôn đốc, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đơn vị tư vấn, nhà thầu không đảm bảo năng lực...

Nhìn lại 2022: Đà Nẵng bứt phá trong phục hồi, phát triển KT-XH ảnh 3Khu Công viên phần mềm số 2 thành phố Đà Nẵng đang dần được hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Về giải pháp, bà Trần Thị Thanh Tâm kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng sớm ban hành suất tái định cư tối thiểu và các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng năm 2023 chặt chẽ, có giải pháp bám sát tiến độ kế hoạch triển khai, huy động cả hệ thống chính trị tại địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án trên địa bàn, đảm bảo tiến độ giải ngân theo cam kết…

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, trong năm 2023, cả hệ thống chính trị thành phố sẽ tiếp tục vào cuộc, tập trung cụ thể hóa, triển khai Chủ đề năm: “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.”

Trong đó, thành phố thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, quản lý đất đai, xây dựng; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án động lực, trọng điểm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; rà soát, đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn thành phố.

Thành phố triển khai hiệu quả Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đà Nẵng cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, báo cáo cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, thành lập Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng; đẩy nhanh quá trình đề xuất các cơ chế, chính sách để hình thành Trung tâm Tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng, Khu Phi thuế quan thành phố Đà Nẵng…

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, các cấp ủy đảng, các cơ quan, địa phương, đơn vị sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo đời sống của người dân thành phố, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các dịch bệnh mới phát sinh và thiệt hại do thiên tai; quán triệt và triển khai nghiêm túc quan điểm “Phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội gắn với phát triển du lịch”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục