Theo CNBC, các tin tức giả mạo đã tác động tới 3 sự kiện chính trị mang tính bạo lực tại châu Á trong năm qua, khi nổi lên như một vũ khí chiến lược cho các nhân tố dân sự và nhà nước gây chia rẽ xã hội sâu sắc hơn.
Từ các cuộc bầu cử tại Indonesia, cuộc khủng hoảng liên quan cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số tại Myanmar, cho tới cuộc chiến chống ma túy của Philippines, việc phát tán thông tin sai lệch và tin tức giả đã được sử dụng để hỗ trợ những tuyên bố và tuyên truyền sự thù ghét.
Tiến sỹ Mustafa Izzuddin, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng trong khu vực, “tin tức giả mạo gắn chặt với chính trị trong nước, nhất là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc.”
Chuyên gia này nhận định chính trị theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cùng với giọng điệu sắc tộc pha lẫn tôn giáo càng đẩy mạnh sự lan truyền tin tức giả mạo ở Indonesia, Myanmar và Philippines.
[EU tham vấn công khai để đối phó với vẫn nạn tin giả]
Mặc dù tin tức giả mạo là một hiện tượng toàn cầu, song vấn đề này lại cực kỳ liên quan tới Đông Nam Á, nơi mà ý tưởng về không gian mạng tự do còn tương đối mới mẻ.
Chuyên gia Aim Sinpeng nghiên cứu chính trị tại Đại học Sydney (Australia) giải thích: “Đối với hầu hết người dân, lần đầu tiên trong đời, họ có quyền truy cập các thông tin không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước.”
Khu vực này tự hào có lịch sử lâu đời về kiểm soát thông tin qua các cơ quan báo chí truyền thống, trái ngược hẳn với thế giới trực tuyến.
Chuyên gia Sinpeng nói: “Hàng triệu người dân Đông Nam Á, những người được tiếp cận mạng internet lần đầu tiên trong đời, cũng có thể tiếp cận vô số thông tin vốn bị nhà nước kiểm duyệt.”
Ông cho rằng mạng xã hội Facebook hiện là nguồn thông tin chính đối với nhiều người dân Đông Nam Á, trong đó hầu hết tin vào thông tin do bạn bè chia sẻ trên trang mạng này.
Theo giáo sư Sinpeng, mạng xã hội Facebook có thể tạo ra "bộ lọc" cung cấp và chia sẻ thông tin cho người sử dụng dựa theo thói quen trước đó hoặc dựa trên khuynh hướng thông tin. Hai công cụ này càng đẩy nhanh sự lan truyền các thông tin sai lệch.
Giới chuyên gia nhất trí rằng cần phải nỗ lực cải thiện kỹ năng số trong khu vực, khuyến khích các cá nhân kiểm tra chéo thông tin và chứng thực tin tức./.