Nhìn lại 10 năm chính sách xoay trục hướng Đông của Nga

Xoay trục sang phía Đông lẽ ra phải là một chính sách dài hơi với Nga, nhưng sau 10 năm, tiến độ chậm chạp của các mục tiêu được nêu trong tuyên bố chính trị là một nguyên nhân rõ ràng gây lo ngại.
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông 2021 (EEF), diễn ra từ 2-4/8 tại Vladivostok, Liên bang Nga. (Nguồn: TASS)

Trang mạng của câu lạc bộ chính trị Valdai mới đây có bài viết của tác giả Nivedita Kapoor, nghiên cứu viên tại khoa kinh tế và chính trị thế giới thuộc trường Đại học tổng hợp “Kinh tế cao cấp” cho biết chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn, có nghĩa là không nên đánh giá thấp tác động lâu dài tiềm tàng của các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với các chính sách của Nga ở nhiều khu vực.

Nếu xung đột kéo dài và các lệnh trừng phạt chống Nga vẫn được duy trì thì Nga có khả năng bị cô lập về kinh tế và vỡ nợ. Thậm chí, ngay cả khi Nga cố gắng tránh bị sụp đổ thì những điểm yếu của cái gọi là xoay trục hướng Đông sẽ lộ ra và điều này về lâu dài không thể không tác động tới tầm ảnh hưởng toàn cầu của Nga.

Mục tiêu chiến lược của Nga ở châu Á

Một thập kỷ sau khi Nga chính thức tập trung vào xoay trục hướng Đông, các câu hỏi về tính hiệu quả của các dự án vẫn còn đó. Sự hoài nghi này xuất phát từ 3 yếu tố chính, đó là việc không đạt được các mục tiêu ban đầu, mục tiêu chính trị không rõ ràng và sự biến động đang diễn ra ở châu Á-Thái Bình Dương. Người ta vẫn cho rằng kế hoạch thực hiện xoay trục này đã được chính thức công bố tại Hội nghị cấp cao APEC 2012.

Các mục tiêu trong sáng kiến này được mô tả là phát triển vùng Viễn Đông của Nga, đa dạng hoá quan hệ kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường sự hiện diện tổng thể của nước này tại đây.

Vài năm sau, Nga thông báo về một tầm nhìn lớn hơn nhiều là Đại Á-Âu, bao gồm các quốc gia Đông, Đông Nam và Nam Á, cũng như Trung Á và châu Âu. Nói cách khác, việc xoay trục sang phía Đông được đưa vào một khuôn khổ rộng lớn hơn, ngụ ý rằng thành công ở các tiểu vùng khác nhau của Đại Á-Âu sẽ góp phần vào việc thực hiện tổng thể chính sách của Nga.

Tuy nhiên, cho tới nay, ý tưởng này vẫn chưa tiến xa hơn giai đoạn khái niệm với một số ít các tiến triển trong thực tế, và còn quá sớm để đưa ra kết luận về tương lai của ý tưởng này.

[EEF: Đòn bẩy cho chiến lược "xoay trục" hướng Đông của Nga]

Trong khi đó, sự trỗi dậy của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những lo ngại khu vực về một Trung Quốc gây hấn, sự cạnh tranh gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, và sự hình thành của Bộ Tứ QUAD và thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa Australia, Vương quốc Anh, và Mỹ (AUKUS) đã thay đổi nhiều cán cân quyền lực trong khu vực.

Mặc dù Nga khẳng định sự chuyển dịch địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu sang phía Đông, nhưng về cơ bản, quyết định tương lai của trật tự thế giới, trọng tâm quân sự-ngoại giao của nước này vẫn ở phương Tây và hậu quả của chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine sẽ làm hạn chế đáng kể khả năng đạt được các mục tiêu chính trị của Nga ở phương Đông.

Kể từ khi nhận thấy sự thay đổi lâu dài trong chính trị thế giới, Nga đã nhiều lần nêu ý định cải thiện quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chiến lược An ninh Quốc gia của Nga nhấn mạnh các mục tiêu trong chính sách đối ngoại là phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc và Ấn Độ, đảm bảo sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và hỗ trợ các thể chế đa phương trong khu vực, bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các định dạng khác nhau.

Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị mở rộng của Bộ Ngoại giao, đã nói về sự chuyển dịch “trọng tâm của nền kinh tế và chính trị thế giới” sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương đòi hỏi Nga phải “tiếp tục phát triển quan hệ mạnh mẽ với các quốc gia” của khu vực phù hợp với mục tiêu thiết lập quan hệ Đối tác Á-Âu mở rộng.

Sự liên kết của khu vực châu Á-Thái Bình Dương với kế hoạch của Nga về việc thiết lập Đại Á-Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực đối với việc xác định chỗ đứng của Nga trong trật tự quốc tế đang phát triển.

Chính những tư tưởng đó đã hình thành nên cơ sở của khái niệm chính sách đối ngoại năm 2016, bao gồm ý tưởng hình thành không gian chung cho ASEAN, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), duy trì hoà bình ở Đông Bắc Á và thiết lập quan hệ với Nhật Bản.

Tuy nhiên, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã tham gia với các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi Ấn Độ tiếp tục linh hoạt, nhưng rõ ràng không hài lòng với hành động của Nga ở Ukraine. Như vậy, hành động của Nga ở Ukraine rõ ràng là đòn giáng mạnh vào các mục tiêu của chính nước này trong khu vực.

Kết quả 10 năm xoay trục hướng Đông

Việc ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông của Nga đã dẫn tới tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình của cả nước và tăng trưởng đầu tư, nhưng quy mô thị trường vẫn là không lớn.

Đến năm 2019, theo đánh giá, chỉ có gần 20% vốn đầu tư vào vùng này, tương đương khoảng 2 tỷ USD, là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Các nguồn phương Tây từng cung cấp phần lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng Viễn Đông của Nga, nay đã rút lui vì các lệnh trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014.

Trong khi đó, hy vọng vào nguồn vốn FDI từ Trung Quốc cũng giảm. Chương trình hợp tác giữa vùng Đông Bắc của Trung Quốc với Viễn Đông và Đông Siberia (2009-2018) không đạt được mục tiêu, dẫn đến việc hình thành một chương trình mới cho giai đoạn 2018-2024. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là các đối tác thương mại chính trong khu vực, nhưng khối lượng thương mại vẫn ở mức nhỏ.

Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc coi Nga là một mắt xích quan trọng, nhưng sau năm 2014, đầu tư vào Viễn Đông đã giảm. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại cũng bị cản trở bởi các vấn đề về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh tế.

Ấn Độ chỉ mới gần đây mới chú ý đến khu vực và công bố hạn mức tín dụng 1 tỷ USD vào năm 2019, nhưng vẫn chưa chính thức thực hiện. Hướng đi này là mới đối với các doanh nghiệp Ấn Độ và mức độ quan tâm đang được xem xét. Nói cách khác, Viễn Đông vẫn chưa đạt được mục tiêu đã nêu là hội nhập vào nền kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về sự đa dạng hoá quan hệ kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phần lớn sự tăng trưởng thương mại giữa vùng Viễn Đông với khu vực này là nhờ quan hệ thương mại với Trung Quốc tăng lên chứ không phải do đa dạng hóa rộng hơn.

Số liệu cho thấy thương mại của Nga với Trung Quốc tăng từ 87,5 tỷ USD năm 2012 lên 88.2 tỷ USD năm 2014 và 104,1 tỷ USD năm 2020, tuy nhiên với Nhật Bản, con số này giảm lần lượt từ 31,3 tỷ USD xuống còn 30,7 tỷ USD và 16,2 tỷ USD; với Hàn Quốc từ 24,9 tỷ USD xuống còn 19,6 tỷ USD năm 2020; với Ấn Độ giảm từ 10,6 tỷ USD xuống còn 9,2 tỷ USD năm 2020 và với ASEAN giảm từ 18,1 tỷ USD xuống còn 13,6 tỷ USD năm 2020.

Điều này cho thấy cơ cấu thương mại của Nga tại Đông Á và Thái Bình Dương đang phát triển với xu hướng nghiêng hẳn về Trung Quốc, làm lộ rõ sự mất cân bằng kéo dài khi tỷ trọng của Trung Quốc trong kim ngạch thương mại của Nga là 18%, trong khi tỷ trọng của Nga trong kim ngạch thương mại của Trung Quốc chỉ ở mức 2%.

Do Nga không phải là đối tác thương mại lớn của khu vực nên các lệnh trừng phạt kinh tế chỉ làm xấu đi vị thế của Nga. Cũng còn phải xem liệu Nga có thể sử dụng các cơ chế như hệ thống UnionPay của Trung Quốc, hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) và giao dịch bằng đồng tiền quốc gia để khắc phục một phần những vấn đề này hay không. Tuy nhiên, hiện rất khó để nói điều gì đó về sự sẵn sàng hợp tác của các quốc gia khác khi nhắc tới các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Ngay cả khi một số biện pháp trừng phạt có thể lách được thì rõ ràng tình hình kinh tế Nga sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại, làm chậm hơn nữa tốc độ vốn đã không mấy tích cực của sáng kiến xoay trục hướng Đông.

Vị thế của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại khu vực lớn khiến thái độ của nước này với các lệnh trừng phạt của phương Tây là quan trọng đối với Nga. Nga cũng sẽ phải trả cái giá chính trị trong bối cảnh bị cô lập về kinh tế. Ảnh hưởng của Nga đối với Trung Quốc sẽ suy yếu.

Khi đó, Nga sẽ không thể đa dạng hoá quan hệ của mình với các quốc gia khác, những nước lo sợ vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nga cũng không có đòn bẩy thương mại khu vực do không có khả năng trở thành một phần của chuỗi giá trị khu vực và không sẵn sàng tự do hoá các nền tảng ngoại thương của mình.

Nga hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn cho khu vực, mặc dù theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí Nga sang châu Á và châu Đại Dương trong giai đoạn 2016-2020 ít hơn 36% so với giai đoạn 2011-2015.

Điều này chủ yếu là do việc giảm bán vũ khí cho Ấn Độ, quốc gia gần đây mới quay lại mua vũ khí của Nga, bao gồm hệ thống phòng không S-400. Nga hiện đang là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ và Đông Nam Á, cũng như là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho toàn bộ khu vực.

Kể từ năm 2014, hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc đã mở rộng, không chỉ giúp gia tăng số lượng các cuộc tập trận chung, mà còn khiến hợp tác thương mại trong lĩnh vực quốc phòng tăng cường (bao gồm cả việc cung cấp S-400, Su-35, và hỗ trợ Trung Quốc trong việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa).

Mặc dù Ấn Độ đã đa dạng hoá việc nhập khẩu vũ khí trong những năm gần đây, nhưng khoảng 80% thiết bị quân sự của nước này có nguồn gốc từ Nga. Mặc dù vậy, ở Ấn Độ gần đây đã xuất hiện những lời kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.

Mặc dù điều này khó có thể xảy ra trong ngắn hạn, và cũng phải nói rằng Ấn Độ đánh giá cao ảnh hưởng của họ đối với Nga với tư cách là một nhà nhập khẩu lớn, nhưng nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài, điều này không thể không ảnh hưởng tới quan hệ Nga-Ấn.

Trên thực tế, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Đông Nam Á. Tuy nhiên, hợp tác của nước này với các tổ chức khu vực và các nước ASEAN đang phát triển chậm.

Trong chỉ số Quyền lực châu Á, Viện Lowy năm 2021 xếp hạng Nga là quốc gia có ảnh hưởng tầm trung ở châu Á. Mặc dù đạt điểm cao về khả năng phục hồi (sẵn có các nguồn lực và khả năng răn đe hạt nhân), khả năng quân sự và mạng lưới quốc phòng, nhưng Nga lại đạt điểm rất thấp trong các mối quan hệ kinh tế.

Nhìn chung, chỉ số cho thấy tầm ảnh hưởng của Nga thấp hơn những gì người ta mong đợi dựa trên những điểm mạnh của nước này. Sự khác biệt giữa cường quốc dẫn đầu về chỉ số (Mỹ) và thứ 5 (Nga) là rất lớn. Mỹ có tổng điểm là 82,2 điểm trong khi Nga chỉ có 33,0 điểm.

Thậm chí ngay cả trong sức mạnh quân sự, sự khác biệt về sức mạnh với Mỹ là lớn (91,7 so với 51,6). Điều này thể hiện rõ ràng sự yếu kém trong chính sách của Nga trong khu vực, với sự hiện diện của các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc và các cường quốc tầm trung khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Do đó, bất chấp những tuyên bố được nhắc đi nhắc lại về việc tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Nga vẫn chưa thể thực hiện bước xoay trục này. Sự đa dạng hoá đối với châu Á bị cản trở bởi một số yếu tố, bao gồm kinh nghiệm lịch sử hạn chế, quan hệ kinh tế yếu kém, sự hiện diện của nhiều cường quốc khác và chiến lược yếu kém.

Tất cả những điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn do hậu quả kinh tế và chính trị của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine nếu cuộc khủng hoảng này không sớm được giải quyết.

Tất cả những chi tiết này cho thấy một lỗ hổng quan trọng trong hợp tác của Nga với phương Đông. Đòn bẩy ảnh hưởng truyền thống hoặc sự hiện diện địa lý của nước này không đủ để trở thành cường quốc khu vực mạnh mẽ. Chính sách xoay trục sang phía Đông cố gắng tìm cách giải quyết những vấn đề này, nhưng sau 10 năm, kết quả tổng thể vẫn rất đáng thất vọng.

Mặc dù không thể phủ nhận lợi ích của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nước này có mức độ ảnh hưởng khác nhau ở các quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, có thể thấy, xoay trục sang phía Đông lẽ ra phải là một chính sách dài hơi đối với Nga, nhưng sau 10 năm, tiến độ chậm chạp của các mục tiêu được nêu lên trong tuyên bố chính trị là một nguyên nhân rõ ràng gây lo ngại.

Phương Đông thay đổi và phản ứng của Nga

Khi Nga tìm cách hiện thực hoá chính sách xoay trục hướng Đông của mình thì khu vực này đang trải qua một sự chuyển dịch lớn với những tác động sâu sắc như cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng và sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia theo định dạng QUAD và AUKUS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nga phản đối ý tưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và lo ngại về AUKUS, vốn cũng được thể hiện trong tuyên bố chung Nga-Trung Quốc gần đây. Tuy nhiên, một đối tác chiến lược khác của Nga trong khu vực là Ấn Độ đã nắm lấy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và QUAD do ngày càng lo ngại về Trung Quốc.

Các cường quốc khu vực khác như Nhật Bản và Australia cũng đang tích cực hợp tác với nhau và với các đối tác quan trọng của phương Tây trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời nhận thấy sự cần thiết phải “củng cố sự cân bằng ở châu Á.”

Về lý tưởng, Nga cũng sẽ được hưởng lợi từ một châu Á đa cực, nơi mà vai trò của nước này trong khu vực sẽ không phụ thuộc vào Trung Quốc ở mức độ như vậy. Cho tới nay, Nga cố gắng duy trì và cải thiện quan hệ với các đối tác truyền thống, ngay cả khi quan hệ của nước này với Trung Quốc đã đạt mức tốt nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, ngày càng khó để Nga có thể cân bằng theo cách này. Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng và các quốc gia trong khu vực đang xem xét lại chính sách của họ.

Ngoài ra, hành động của chính Nga có thể làm tổn hại cho hành động cân bằng của nước này ở châu Á, tạo điều kiện cho sự chuyển dịch theo hướng lưỡng cực, làm suy yếu ảnh hưởng của nước này đối với Trung Quốc và có khả năng tác động tiêu cực đến quan hệ với các đối tác như Ấn Độ, vốn lo ngại về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc.

Nếu Nga xích lại gần Trung Quốc hơn và trở nên ít độc lập hơn so với trước đây thì điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính sách của nước này ở châu Á.

Các nỗ lực của Nga để định vị mình là một bên cân bằng, không phải mối đe doạ sẽ bị tấn công nếu các quốc gia trong khu vực coi Nga là đồng minh quá thân thiết của Trung Quốc. Điều này cũng gây ra hậu quả đối với nền chính trị rộng lớn hơn trong khuôn khổ Đại Á-Âu, vốn cũng có nhiều vấn đề ở hướng Đông.

Không có nguồn lực đáng kể nào để chi cho việc tăng cường ảnh hưởng trong khu vực ngay cả trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, Nga hiện đang phải đối mặt với viễn cảnh làm suy yếu thêm vị thế của mình ở châu Á. Điều này cũng mâu thuẫn với các mục tiêu đã nêu của Nga là đa dạng hoá quan hệ khu vực, củng cố vị thế là một “cực độc lập” và tham gia xây dựng một trật tự khu vực mới.

Do đó, rõ ràng, bất kể cuộc khủng hoảng hiện tại được giải quyết như thế nào, bằng một giải pháp ngoại giao, một giải pháp cưỡng chế hay một cuộc chiến tranh, thì chính sách của Nga đối với phương Đông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục