Nhìn lại 1 năm phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam

Điện Mặt Trời sẽ là nguồn năng lượng có thể được sử dụng phổ biến trên mái nhà, giúp người dân tiết kiệm lượng điện sử dụng hằng tháng lên tới 50%.
Nhìn lại 1 năm phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam ảnh 1Hệ thống điện năng lượng Mặt Trời lắp đặt trên mái của tòa nhà Công ty điện lực Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Điện Mặt Trời sẽ là nguồn năng lượng có thể được sử dụng phổ biến trên mái nhà, giúp người dân tiết kiệm lượng điện sử dụng hằng tháng lên tới 50%.

Ngoài ra, lượng điện Mặt Trời dư thừa có thể được đem bán, hoặc sử dụng cho nhiều mục đích xã hội khác, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo nhìn lại 1 năm thực hiện Nghị quyết 11 và Thông tư 16 về phát triển điện Mặt Trời ở Việt Nam do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/8.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời tại Việt Nam và Thông tư số 16/2017 TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu đã thực hiện được 1 năm.

Đến nay, các trang trại điện Mặt Trời đã có 100 dự án được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia.

Tổng công suất đăng ký là 4,7GW vào năm 2020 và 1.770MW sau năm 2020; có 58 dự án đã được phê duyệt bởi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về thiết kế cơ sở; 9 dự án đã ký được Hợp đồng mua bán điện.

[Agribank tài trợ 490 tỷ đồng xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời]

Ngoài ra, các dự án trên mái nhà tính đến cuối tháng 7/2018 vừa qua, đã có 748 dự án mái nhà với tổng công suất là 11,55MWp.

Xuất phát từ thực tiễn lắp đặt dự án điện Mặt Trời mái nhà, tiến sỹ Lê Anh Tuấn cho hay với chi phí đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng cho 6 tấm pin Mặt Trời lắp trên mái, có thể sử dụng được từ 20-25 năm, tiết kiệm khoảng 1,5 triệu đồng tiền điện/tháng.

“Gia đình tôi đã lắp đặt hệ thống pin Mặt Trời, giúp tiết kiệm hơn 50% tiền điện sinh hoạt, số điện dư thừa, tôi dùng vào mục đích giúp đỡ các hộ nghèo, hoặc đăng ký bán lại cho các hộ cho thuê nhà, sạc pin xe đạp điện cho học sinh...,” tiến sỹ Lê Anh Tuấn nói.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Green ID, cơ quan điều phối Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, sử dụng điện Mặt Trời trên mái nhà nằm trong Chương trình Triệu ngôi nhà xanh đang được thực hiện.

Chi phí đầu tư cho điện năng lượng Mặt Trời hiện đang có giá rẻ hơn rất nhiều. Công nghệ năng lượng tái tạo đang ngày càng đáng tin cậy và rẻ hơn cả nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khi cân nhắc tới các khía cạnh quan trọng như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sức khỏe.

Tuy nhiên, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay, điện Mặt Trời vẫn còn gặp phải vấn đề liên quan đến giá bán điện; các dự án điện Mặt Trời đấu nối trên mái nhà hiện cũng còn gặp nhiều mâu thuẫn với các quy định về thuế, thiếu các quy trình đấu nối, các chứng nhận về inverter...

Để thúc đẩy hơn nữa lắp đặt điện Mặt Trời, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết dự kiến, sau tháng 6/2019, Bộ Công Thương sẽ có giá bán điện Mặt Trời mới cho các dự án điện Mặt Trời áp dụng sau tháng 6/2019.

Đồng thời, Bộ sẽ kiến nghị để có sự chỉnh sửa Quyết định 11 để giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế cho các dự án trên mái nhà, cũng như cơ chế đấu thầu riêng cho các dự án Mặt Trời, hợp đồng mua bán điện trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục