Nhiều yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam 2019

Thị trường chứng khoán trong năm vừa qua diễn biến phức tạp, hầu hết đánh giá cho thị trường chứng khoán năm 2019 đều nghiêng về những kịch bản thận trọng thay vì những mốc số của VN-Index.
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam 2019 chịu tác động mạnh mẽ của cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong.

Tuy nhiên, sự bất ổn sẽ đến nhiều hơn từ các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, dấu hiệu suy thoái đến từ các nền kinh tế lớn và sự điều chỉnh lãi suất tại các quốc gia.

Còn những yếu tố nội tại như khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán, điểm tựa từ kinh tế vĩ mô và nỗ lực tái cấu trúc thị trường chứng khoán là những điểm tích cực hỗ trợ sự phát triển trong năm 2019.

Dự báo diễn biến khó lường

Vừa qua, trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố Báo cáo “Kinh tế việt Nam 2019 trước khúc quanh quyết định” và đưa ra dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam 2019 sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Đây sẽ là một năm với những diễn biến rất khó lường với những cơn sóng dữ dao động với biên độ mạnh.

Theo phân tích trong Báo cáo, năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã kết thúc một năm trong sắc đỏ. Đây được xem là một năm biến động nhất trong 10 năm trở lại đây. Chỉ số VN-Index liên tục thăng hoa trong bốn tháng đầu năm, tăng gần 22% đạt đỉnh 1.200 điểm vào ngày 9/4/2018, trước khi sụt giảm mạnh trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 7/2018. Đồng thời, phục hồi trong giai đoạn tháng 7-10/2018, trước khi quay đầu giảm lại sau khi không vượt được mốc 1.000 điểm.

Thêm vào đó, các yếu tố bất lợi từ căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, giá dầu lao dốc và chỉ số S&P sụt giảm, đưa thị trường bước vào giai đoạn thị trường “con gấu.” Đơn cử, thị trường chứng khoán “lạc nhịp” trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 10 năm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có do tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ-Trung, cũng như xu hướng tăng tốc bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu...

[Chứng khoán: Thận trọng với các quyết định mua bán thời điểm này]

Kết thúc năm 2018, VN-Index dừng ở mức 892.54 điểm, giảm 9% so với năm 2017. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, tương đương với 70,2% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017. Đặc biệt, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn vào ròng đạt 2,8 tỷ USD, cơ bản bằng mức kỷ lục 2,9 tỷ USD của năm 2017. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt trên 32,8 tỷ USD.

Thị trường chứng khoán trong năm vừa qua diễn biến phức tạp, hầu hết đánh giá cho thị trường chứng khoán năm 2019 đều nghiêng về những kịch bản thận trọng thay vì những mốc số của VN-Index.

Trước bối cảnh căng thẳng chính trị và thương mại còn nhiều bất cập, hầu hết các tổ chức phân tích đồng thuận rằng nền kinh tế toàn cầu đang bước vào cuối chu kỳ tăng trưởng và năm 2019 có thể là một năm tương đối khó khăn đối với thị trường chứng khoán. Chưa kể, sự giảm dần của các gói nới lỏng tiền tệ và kích thích tài khóa đang diễn ra trên toàn cầu, khả năng dòng tiền nước ngoài đổ vào các thị trường cận biên như Việt Nam sẽ không cao như những năm trước.

Cụ thể, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra dự báo các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dao động với biên độ cao; trong đó VN-Index sẽ dao động với biên độ lớn từ 300-350 điểm. Những ẩn số dẫn đến sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong năm 2019 là do xuất phát từ lo lắng của nhà đầu tư về vấn đề chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang bất kỳ lúc nào. Đồng thời, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc cùng dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ và toàn cầu; nguy cơ tăng lãi suất tại các quốc gia.

Theo tiến sỹ Vũ Bằng, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đây là một trong những điểm đáng lo nhất sẽ tác động đến thị trường chứng khoán trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chậm lại từ quý 3/2018, diễn biến này cộng với sự phình to của khối nợ toàn cầu và sự biến động thất thường của giá dầu sẽ chi phối lớn đến các nền kinh tế; trong đó có Việt Nam trong năm 2019.

Những yếu tố củng cố lòng tin cho nhà đầu tư

Bên cạnh sự biến động khó lường của các yếu tố trên, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 cũng có những thông tin được xem là hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư và sự tăng điểm của thị trường. Đặc biệt, khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trong đợt Review năm 2019 được xem là thông tin được kỳ vọng củng cố niềm tin và hấp dẫn nhà đầu tư.

Các chuyên gia cho rằng, việc được nâng hạng dự báo sẽ là một trong những tín hiệu hết sức tích cực đối với thị trường, giúp thị trường thu hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, yếu tố giá và thanh khoản của thị trường trong giai đoạn này sẽ biến động nhiều hơn. Song song đó, kinh tế vĩ mô Việt Nam dự kiến tiếp tục là điểm hỗ trợ lớn cho thị trường chứng khoán trong năm 2019.

Hay thị trường phát sinh đang phát triển, cùng với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp được thúc đẩy sẽ là những điểm mới của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019. Những điểm mới này, không những giúp cho thị trường chứng khoán thể hiện tốt hơn vai trò trong việc điều tiết vốn của nền kinh tế mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Ngoài ra, với nền tảng công nghệ mới được vận hành, hệ thống mới sẽ mở ra các cơ hội cung cấp các sản phẩm mới trên thị trường. Chính vì vậy, dự kiến vào cuối năm 2019 các sản phẩm được thị trường chờ đợi lâu nay như bán, giao dịch chứng khoán T+0... sẽ được ứng dụng, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho nhà đầu tư.

Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019, đại diện Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam cho hay thị trường có nhiều tín hiệu cho thấy sự hồi phục. Các ngành kinh doanh không cần vốn lớn sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn những ngành cần vốn lớn. Tuy nhiên, một số ngành cần vốn lớn nhưng vẫn duy trì được lợi thế như năng lượng, công nghiệp... sẽ hưởng lợi từ chính sách phát triển của Chính phủ cũng có thể thu hút nhà đầu tư.

Riêng ở góc nhìn dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam có chính sách vĩ mô tốt, thu hút FDI, phát triển sản xuất kinh doanh... nên sức hấp dẫn của thị trường vốn cũng sẽ tăng trong tương lai, dự kiến chỉ số VN-Index dao động ở mức từ 850-1.100 điểm.

Còn tiến sỹ Bùi Quang Tín - Giám đốc điều hành Trường Doanh Nhân BizLight - cho biết môi trường lãi suất tăng sẽ tác động tiêu cực đến nhiều khía cạnh, chi phí nợ và chi phí sử dụng vốn cũng cao hơn, khiến mức chiết khấu giá trị nội tại của cổ phiếu cũng cao hơn. Khi khả năng tăng giá của cổ phiếu không còn dễ dàng, nên nhóm cổ phiếu có khả năng trả cổ tức cao có thể là một lựa chọn thay thế và thu hút nhà đầu tư.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, với chính sách khuyến khích của Chính phủ cho sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân sẽ tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn cho nhiều nhóm ngành; trong đó có nhóm ngành liên quan tiêu dùng. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng có thể chậm lại, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, thì sự cạnh tranh gia tăng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp năng động hơn để có thể tiếp tục phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục