Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trong nhiều nhóm mặt hàng, nhất là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
[Phát hiện xử lý hơn 12.400 vụ buôn lậu và gian lận thương mại]
Lo mỹ phẩm giả dạt về vùng quê
Chia sẻ tại hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm do Ban chỉ đạo 389 Hà Nội tổ chức mới đây, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội đã nêu lại ý kiến của Mặt trận Tổ quốc thành phố trước những lo ngại liên quan đến thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.
Dẫn chứng thêm một số vụ việc mà các cơ quan chức năng xử lý thời gian gần đây ông Lê Hông Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng thừa nhận, trong lĩnh vực thực phẩm chức năng vẫn còn nhiều tồn tại và diễn biến "quá mức tưởng tượng" từ phía quản lý.
Ông nói, hiện vẫn còn một số thiếu sót trong việc quy định kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng đã dẫn đến sự "bùng phát" của mặt hàng này, do vậy rất cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt và vào cuộc từ phía lực lượng chuyên ngành.
Trong khi đó, chất lượng nhiều loại mỹ phẩm cũng được vị lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội bày tỏ nhiều quan ngại khi được bày bán trôi nổi ở một số vùng quê, thậm chí có sản phẩm đã sử dụng cả hóa chất mang tính chất hủy diệt sức khỏe của con người
Vụ việc gần đây nhất, ngày 20/1, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với PA81, Công an Hà Nội tiến hành kiểm tra nơi chứa hàng hóa là mỹ phẩm tại Thôn Tệ Xuyên, Bình Xuyên, Gia Lâm, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Ngôn là chủ kinh doanh.
Đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính chủ cơ sở 90 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu và buộc tiêu hủy 7.488 sản phẩm mỹ phẩm. Trị giá hàng hóa vi phạm lên tới 403 triệu đồng.
Từ thực tế trên, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các ngành chức năng của thành phố cần xem xét những phản ánh của Mặt trận tổ quốc một cách nghiêm túc để có hướng xử lý kịp thời.
Theo báo cáo của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trên thị trường hiện có khoảng hơn 10.000 mặt hàng thực phẩm chức năng, trong đó khoảng 40% là nhập khẩu. Tính trong 6 tháng đầu năm, lực lưựng này đã kiểm tra 23 cơ sở, xử phạt 4 cơ sở với số tiền khoảng 130 triệu đồng, tiêu hủy gần 60.000 mẫu không đảm bảo chất lượng.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, nhiều kết quả kiểm nghiệm cho thấy, một số thực phẩm chức năng có vi chất không đúng với nội dung công bố hoặc vi chất định lượng sai lệch so với chỉ tiêu công bố....
Do vậy, ông kiến nghị Ban chỉ đạo 389 chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ từ thông tin quảng cáo đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng các dịch vụ và quảng cáo trên mạng Internet đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Trong đó, chú trọng kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
- Số vụ buôn lậu và gian lận thương mại bị xử lý trong 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội:
Mỗi ngày xử lý trung bình 122 vụ
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội phải xử lý khoảng 122 vụ liên quan đến buôn lậu và gian lận thương mại.
Đáng chú ý, tổng số thu nộp ngân sách nhà nước tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu tăng ở phần phạt bổ sung và truy thu thuế sau thanh tra, kiểm tra của lực lượng công an và thuế.
Cũng trong 6 tháng đầu năm thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra 358 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 251 cơ sở với số tiền phạt là 3,6 tỷ đồng.
Nói về sai phạm trong lĩnh vực này, theo Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, qua kiểm tra 152 cơ sở dược mỹ phẩm trong 6 tháng và lấy mẫu kiểm nghiệm 1.015 mẫu có 16 mẫu không đạt chiếm 1,6%, xử lý vi phạm hành chính 147 cơ sở phạt với số tiền gần 2 tỷ đồng. Thanh tra Sở Y tế cũng đã tịch thu, tiêu hủy đối với hàng nghìn sản phẩm không có nhãn mác lưu hành.
"Vi phạm chủ yếu vẫn là việc kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay việc thông tin, quảng cáo dễ gây nhầm lẫn với người tiêu dùng...," ông Nguyễn Văn Đức nói.
Liên quan đến vấn đề buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, trong 6 tháng số vụ việc khởi tố theo luật hình sự đã cao hơn năm trước, điều này thể hiện việc xử lý nghiêm minh đồng thời đảm bảo tính răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
Tuy vậy, Hà Nội là địa bàn là trung tâm kinh tế của cả nước, có đường giao thông thuận lợi, từ đường không, đường sắt... nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về buôn lậu và gian lận thương mại. Do đó, theo ông Thế, điểm cốt yếu để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng lậu vẫn nằm ở yếu tố con người.
"Ở đâu cấp ủy chính quyền và các lực lượng chức năng vào cuộc tích cực thì tình trạng buôn lậu, hàng gian, hảng giả từng bước được đẩy lùi," ông Thế nói.
Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đề nghị Hà Nội, ngoài thực hiện 6 nhiệm vụ đề ra đối với các lực lượng của thành phố thì cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 41/CP của Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
"Đây là một văn bản xuyên suốt trong đó xác định tuyến, địa bàn, đối tượng và nhiệm vụ cụ thể đối với các ngành và cá nhân thực thi công vụ trong việc đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ," Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia lưu ý thêm./.