Nhiều ý kiến đồng tình thu gọn đầu mối Chương trình mục tiêu quốc gia

Tại phiên thảo luận chiều 4/11, các đại biểu đề nghị gộp 16 Chương trình mục tiêu quốc gia thành Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Y Thông phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 là một chủ trương đúng, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, xóa được đói, giảm được nghèo; xây dựng nông thôn mới, cải thiện điều kiện sống, ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chỉ số về y tế, giáo dục, nước sạch, văn hóa, xã hội... được nâng lên; hệ thống thông tin, truyền thông có sự chuyển biến đáng kể; mức hưởng thụ văn hóa của người dân được cải thiện…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn phân tích những hạn chế, tồn tại qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể việc bố trí, huy động, phân bổ vốn cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, chưa hợp lý, chủ yếu là ngân sách Trung ương.

Nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, nên việc lồng ghép, tập trung nguồn lực là hết sức khó khăn; một số chương trình trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là đối với các chương trình có đầu tư đến cơ sở các xã, thôn bản như mua sắm trang thiết bị...

Vì vậy, hiệu quả đạt được của một số Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp.

Đại biểu Hoàng Việt Phương của tỉnh Tuyên Quang cho rằng việc rà soát lại các chương trình, dự án; thay đổi cơ chế tổ chức quản lý; sắp xếp, bố trí các nguồn vốn, để Chương trình thực hiện hiệu quả là hết sức cần thiết.

Đại biểu Cao Thị Xuân, tỉnh Thanh Hóa nêu một thực trạng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn nhiều địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, nên cho nợ chỉ tiêu, ứng vốn đầu tư công trình khi chưa có nguồn thu, huy động mức đóng góp quá khả năng của người dân dẫn đến mục tiêu tiêu xây dựng nông thôn mới không giữ vững được.

Tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới còn khá phổ biến, nhất là các xã trong diện phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015, nhiều xã hiện nợ đọng hàng chục tỷ đồng, mặc dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng dư nợ quá khả năng thanh toán, đại biểu này nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ gộp 16 Chương trình mục tiêu quốc gia thành 2 Chương trình mục tiêu quốc gia đó là: Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm của tỉnh Yên Bái, việc gom lại thành 2 Chương trình sẽ tránh dàn trải, chồng chéo nhiệm vụ, trùng lắp về đối tượng thụ hưởng và địa bàn thực hiện. Để khắc phục tồn tại, hạn chế, đại biểu đề xuất phải điều tra khảo sát, xây dựng một số tiêu chí thống nhất để đầu tư hợp lý, đúng nhu cầu, mục tiêu là tránh thất thoát lãng phí, tránh lợi dụng chính sách tham ô, lãng phí thất thoát tài sản quốc gia.

Tập trung đầu tư theo hướng hưởng lợi chung, chống tư tưởng ỷ lại của người dân, vươn lên làm giàu chính đáng, thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác quản lý để bảo vệ cán bộ, chống thất thoát lãng phí, phát huy sức mạnh lòng dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Phối hợp chặt chẽ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương và nguồn vốn cân đối của địa phương để thực hiện chương trình. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện. Chú trọng phân bổ hợp lý nguồn vốn, ưu tiên đúng đối tượng, tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Hoàng Việt Phương đề nghị cần tiếp tục rà soát lại danh mục các dự án thành phần và phạm vi đầu tư của 2 Chương trình; đánh giá lại hệ thống tiêu chí hiện hành, phân kỳ đầu tư; ưu tiêu tập trung đầu tư đối với một số nội dung cấp thiết trong giai đoạn 2016-2020, liên quan đến hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất như các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm, thủy lợi.... Bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối, bố trí vốn; hoàn thành dứt điểm các hạng mục đầu tư theo từng giai đoạn, khả thi trong thực hiện, tránh đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả.

Đại biểu nhấn mạnh cần phân định rõ đầu tư giữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định.

Theo đại biểu cần xác định rõ phương án huy động, tỷ trọng huy động đối với từng nguồn vốn, nhất là nguồn vốn ngân sách Trung ương, các nguồn vốn huy động khác; sự cam kết của địa phương trong việc bố trí ngân sách địa phương; phân bổ tổng mức đầu tư cho địa phương trong cả giai đoạn 2016-2020 và từng năm; đồng thời phân cấp và giao quyền chủ động tối đa cho địa phương trong việc phân bổ, bố trí vốn cho từng hạng mục, từng dự án thành phần bảo đảm phù hợp với định hướng, nhu cầu đầu tư của từng địa phương. Việc bố trí vốn từ ngân sách địa phương phải được xác định như là vốn đối ứng để thực hiện chương trình.

Nhiều ý kiến cho rằng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần thay đổi về cơ chế, chính sách chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ người dân chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững thông qua hệ thống chính sách như vay vốn ưu đãi lãi xuất phát triển sản xuất, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Đại biểu Cao Thị Xuân đề xuất Chính phủ cần tiếp tục rà soát để xác định mục tiêu của từng chương trình nhằm bảo đảm nguồn lực và hợp nhất một số nội dung, dự án tránh chồng chéo, giảm chi phí quản lý hành chính. Nên phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương để chủ động điều hành bảo đảm hiệu quả và đề cao trách nhiệm cá nhân, khắc phục sự trông chờ, ỷ lại…

Theo chương trình, sáng mai, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khí tượng thủy văn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục