Chiều 26/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ xuất quân đưa 35 cán bộ, y, bác sỹ lên đường hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19.
Các y, bác sỹ lên đường làm nhiệm vụ lần này đều là những người có chuyên môn giỏi và kinh nghiệm chống dịch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Trước khi lên đường, tất cả các thầy thuốc đã được tập huấn, hướng dẫn quy trình chuyên môn, kỹ thuật và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm COVID-19, đồng thời đã được tiêm chủng vaccine và lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Đặc biệt, trong đoàn hỗ trợ có 3 người (gồm 1 bác sỹ, 1 y sỹ và 1 điều dưỡng thuộc Bệnh viên Đa khoa Phương Bắc) đã từng tham gia hỗ trợ tỉnh Bắc Giang chống dịch đầu tháng Sáu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang chúc đoàn công tác phát huy tinh thần, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp Thành phố Hồ Chí Minh sớm vượt qua đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đề nghị ngành y tế tỉnh và các cơ quan liên quan tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ đoàn hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời hy vọng các y, bác sỹ giữ gìn sức khỏe và học hỏi được nhiều kinh nghiệm chống dịch thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh trở về để giúp tỉnh phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả tốt nhất.
[Quân khu 7 điều động 500 chiến sỹ hỗ trợ Bình Dương phòng, chống dịch]
Chiều 26/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Lễ xuất quân tiễn đoàn cán bộ y tế của tỉnh hỗ trợ tỉnh Bình Dương đẩy lùi dịch bệnh.
Đoàn gồm có 66 cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế, ngành y tế tỉnh và sinh viên năm cuối Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế).
Tại tỉnh Bình Dương, đoàn sẽ tham gia hỗ trợ điều trị, truy vết và thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh khác.
Ghi nhận, đánh giá cao tinh thần xung kích, tình nguyện của các cán bộ y tế lên đường làm nhiệm vụ tại tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết ngoài hỗ trợ các khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện của tỉnh Bình Dương, đoàn cũng sẽ kết nối với 127 cán bộ y tế của tỉnh tham gia hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp phòng, chống dịch trong đợt 1 để làm tốt nhất công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh miền Nam.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình mong muốn các thành viên của đoàn đi vào vùng có dịch đảm bảo an toàn cho bản thân; giữ vững bản lĩnh, sức khỏe; đem hết khả năng, kinh nghiệm và tinh thần nhiệt huyết để hỗ trợ tỉnh Bình Dương đẩy lùi dịch bệnh.
Dịp này, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã gửi tặng tỉnh Bình Dương 5 máy thở hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 với trị giá 150 triệu đồng.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập nhiều đoàn công tác tình nguyện gồm hàng trăm y, bác sỹ, chuyên gia có chuyên môn, kỹ thuật cao trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 đến hỗ trợ cho nhiều tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Bắc Giang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh...
Cũng trong ngày 26/7, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức đón 240 công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về trên cùng một chuyến bay của Hãng hàng không Vietjet Air.
Đây là đợt đầu tiên tỉnh Thừa Thiên-Huế đón người dân trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Các trường hợp được đón về lần này là người lớn tuổi, phụ nữ có thai kèm con nhỏ, người dễ bị tổn thương do dịch bệnh và người có bệnh mong muốn về địa phương để điều trị.
Người dân được xét nghiệm trước khi lên máy bay, được đưa đến khu cách ly tập trung khi máy bay hạ cánh.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến nay đã có hơn 10.000 người dân đăng ký trở về địa phương từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã phân loại và phối hợp với Hội đồng hương tỉnh Thừa Thiên-Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh xác minh, lập danh sách theo đúng đối tượng ưu tiên.
Theo kế hoạch, đợt 1 sẽ đón công dân về bằng đường sắt nhưng do có một số vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ nên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh quyết định thay đổi phương tiện vận chuyển bằng đường hàng không. Đợt 2 dự kiến diễn ra từ 27-30/7.
Bên cạnh đó, mỗi ngày có hàng trăm người dân đi từ miền Nam đến Thừa Thiên-Huế bằng đường bộ. Tính riêng từ 5 giờ sáng 25/7 đến 5 giờ sáng 26/7, đã có gần 600 người dân đi từ miền Nam trở về địa phương.
Các trường hợp này đều được xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An cho biết tỉnh đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.
Long An đã huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế tham gia công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị COVID-19, tuy nhiên nguồn nhân lực có hạn.
Vì vậy, Sở Y tế Long An kêu gọi lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch là y, bác sỹ nghỉ hưu; thành viên các tổ chức Hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh (có đủ sức khỏe); bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ, kỹ thuật viên xét nghiệm không làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập; sinh viên các trường đại học, cao đẳng; những người có bằng lái xe để tham gia vận chuyển hàng hóa, ca mắc, ca nghi mắc; tình nguyện viên khác (đủ sức khỏe, không cần chuyên môn).
Lực lượng huy động trên sẽ thực hiện một trong các nhiệm vụ về khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh; lấy mẫu xét nghiệm, truy vết ca bệnh; phun khử khuẩn tại các khu vực có nguy cơ; vận chuyển hàng hóa, chở các ca mắc, nghi mắc đến khu cách ly, cơ sở điều trị; phụ giúp công tác hậu cần, sắp xếp, dọn vệ sinh tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến; hỗ trợ tại các điểm kiểm soát phòng, chống dịch (khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, phu khử khuẩn); nhập liệu, xử lý thông tin.
Các tình nguyện viên được hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19, hưởng các chế độ đối với các tình nguyện viên trực tiếp hoặc phối hợp tham gia các hoạt động chống dịch theo quy định./.