Những ngày qua, thông tin về việc tính thuế 5% trên cổ tức trả bằng cổ phiếu đã làm “nóng” các diễn đàn chứng khoán, bởi việc tính thuế ảnh hưởng tới lợi ích “sát sườn” của nhà đầu tư.
Đa phần các quan điểm tỏ ra không đồng tình khi quy định tính thuế này được thực hiện. Giới chuyên gia cũng cho rằng, quy định tính thuế 5% trên cổ tức trả bằng cổ phiếu là không hợp lý và còn nhiều vướng mắc.
Nhà đầu tư ngao ngán
Theo nhà đầu tư Phạm Văn Đoàn, trả cổ tức bằng cổ phiếu thực chất là chia tách cổ phiếu nên không làm thay đổi vốn chủ sỡ hữu cũng như tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông. Ngoài ra, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu khiến cổ phiếu bị “pha loãng” và bị điều chỉnh giảm tương ứng trên thị trường chứng khoán. Do vậy, anh Đoàn cho rằng nhà đầu tư thực tế luôn muốn nhận cổ tức bằng tiền mặt vì đó mới là “tiền tươi, thóc thật."
“Ví dụ dễ hiểu là việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng như một chiếc bánh với 10 phần, sau đó doanh nghiệp chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu thì miếng bánh sẽ trở thành 13 phần mà không làm thay đổi tổng thể của chiếc bánh dù số phần bánh nhiều hơn," anh Đoàn nói.
Nhà đầu tư Trần Ngọc Nam cho rằng trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp danh nghiệp đỡ một khoản tiền chi trả cho cổ đông, tiền vẫn ở lại với doanh nghiệp để tiếp tục được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Chỉ khác ở sự thay đổi trong báo cáo tài chính từ khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chuyển thành mục vốn góp của chủ sở hữu.
Trong khi đó, nhà đầu tư Nguyễn Văn Hanh cho rằng trong một thị trường đang lên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể giúp nhà đầu tư được lợi nhiều hơn. Thông thường, nhà đầu tư khi mua cổ phiếu đều kỳ vọng vào hưởng cổ tức và tăng giá cổ phiếu.
Nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu thì làm tăng lượng cổ phiếu đang lưu hành và giá cổ phiếu đương nhiên phải được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, đối với những công ty tốt và đang trong xu hướng thị trường đang đi lên thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu có thể cũng giúp nhà đầu tư có lợi hơn, vì sau khi điều chỉnh giảm cổ phiếu vẫn có cơ hội lên lại giá cũ hoặc thậm chí là vượt hơn giá cũ. Còn trường hợp thị trường giảm, nhà đầu tư chịu thiệt khi giá cổ phiếu trên thị trường giảm theo điều chỉnh khi chia cổ tức và còn tiếp tục giảm theo thị trường chung.
[Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường giúp sắc xanh lan tỏa]
Lý giải những bức xúc của giới đầu tư, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, cho biết đối với thuế cổ tức, rõ ràng nhà đầu tư có lý do để thể hiện sự không đồng tình. Bởi, thực tế khi doanh nghiệp chia cổ tức cho cổ đông, tại ngày không hưởng quyền giá cổ phiếu trên sàn sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng. Vì vậy, nếu giá cổ phiếu không biến động thì cơ bản là tổng giá trị cổ phần của nhà đầu tư là không thay đổi, trong khi đó, cơ quan thuế lại thu thêm thuế trên cổ tức (là phần được chia từ lợi nhuận sau thuế thu nhập là phần doanh nghiệp đã phải chịu thuế).
Thực tế này khiến cho nhà đầu tư bị đánh thuế "kép" 2 lần trên cùng một thu nhập của cổ đông. Đó là lý do vì sao mà đa số nhà đầu tư đều không hài lòng về quy định thu thuế cổ tức.
Ảnh hưởng lớn nhất của quy định là là tác động trực tiếp tới lợi ích của nhà đầu tư khiến đa số nhà đầu tư cảm thấy thiệt đơn thiệt kép trong điều kiện đầu tư chứng khoán ẩn chứa nhiều rủi ro hơn các kênh tiết kiệm (là các kênh hoàn toàn không chịu thuế).
Công ty chứng khoán “loay hoay”
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho biết từ ngày 05/12/2020, nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu hay nhận thưởng bằng cổ phiếu sẽ phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Cụ thể tại Điểm d, Khoản 5, Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định: “Tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn; cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán. Thời điểm khai thuế thay và nộp thuế thay được thực hiện khi cá nhân phát sinh chuyển nhượng chứng khoán cùng loại, chuyển nhượng vốn, rút vốn."
Như vậy, theo quy định trên, từ ngày 05/12/2020, nhà đầu tư khi bán cổ phiếu ngoài số thuế 0,1%, nhà đầu tư phải đóng thêm thuế thu nhập cá nhân 5% khi bán số cổ phiếu là cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng đã nhận được. Tức là một khoản thu nhập mà chịu 2 lần thuế thu nhập với mức thuế suất khác nhau.
Điểm bất cập này đã được phản ánh trước đây nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều năm nay. Bởi đây không phải là một điểm mới tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012, năm 2014) đã quy định khoản thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân.
Nghị định 126/2020/NĐ-CP chỉ thay đổi chủ thể khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân từ khoản đầu tư trên. Cụ thể, trước ngày 05/12/2020 chủ thể kê khai và nộp thuế với cơ quan thuế là cá nhân nhà đầu tư (Theo khoản 9, Điều 26; điểm d, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC). Sau ngày 05/12/2020, chủ thể này là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ nơi cá nhân uy thác danh mục đầu tư (Theo Điểm d, Khoản 5, Điều 7, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, Nghị định 126/2020/NĐ-CP lại chưa có hướng dẫn hay quy định cụ thể về cách xác định nguồn gốc chứng khoán phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn mà hiện nay hầu hết các công ty chứng khoán đều không phân biệt cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu với cổ phiếu thường.
Do đó, với vai trò trung gian có trách nhiệm nộp thuế cổ tức bằng cổ phiếu thay cho nhà đầu tư, các công ty chứng khoán sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện việc kê khai và nộp thuế thay cho nhà đầu tư.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, nêu lên những bất cập. Theo ông, công ty chứng khoán sẽ phải chuẩn bị điều chỉnh hệ thống để có thể ghi nhận được cổ phiếu về tài khoản nhà đầu tư thì đâu là phần được nhận cổ tức, để sau này khi nhà đầu tư bán cổ phiếu thì còn tính toán mức thuế phải thu để nộp cho nhà nước. Ngoài ra, cũng rất cần những hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý để có thể thực hiện đúng và đủ quy định mới.
Về kỹ thuật, không phải là khó để công ty chứng khoán có thể đáp ứng được quy định. Tuy nhiên, trên phương diện phát triển thị trường chứng khoán trong dài hạn để ngày càng nâng cao quy mô thị trường Việt Nam lên tầm tương xứng với các thị trường khác trong khu vực, cơ quan quản lý cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển thị trường; mở rộng về lực lượng nhà đầu tư, mở rộng về quy mô niêm yết và quy mô thanh khoản thị trường.
Để đạt được các mục tiêu đó, cần có chính sách thuế và phí hợp lý hơn, tránh việc tận thu ngay khi quy mô thị trường còn nhỏ so với khu vực và thế giới, kìm hãm sự phát triển chung của thị trường.
Theo ông Ngọc, tại Trung Quốc đã xóa bỏ thuế cổ tức, miễn thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư từ 2005 đến nay và điều này đã giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc về quy mô và chất lượng. Trong khi đó, so với thị trường Trung Quốc thì thị trường Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé.
“Chỉ là việc thực thi chính sách của cơ quan quản lý hướng đến mục tiêu phát triển thị trường như thế nào và có nên áp dụng trong giai đoạn còn nhiều khó khăn phát triển thị trường chứng khoán tại Việt Nam như hiện nay hay không," ông Ngọc băn khoăn./.