Nhiều tuyến đường trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh ùn ứ kéo dài tại các giao lộ

Ghi nhận trong ngày 9/1, khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Quận 1, Quận 3, Quận 5… luôn trong tình ùn ứ giao thông trên các tuyến đường như Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du...
Cảnh ùn ứ trên đường Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: Vnexpress)

Những ngày gần đây, nhiều tuyến đường tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài, kể cả không phải khung giờ cao điểm. Người tham gia giao thông cơ bản chấp hành luật giao thông đường bộ, rất ít trường hợp leo lề, đi trên vỉa hè… nhưng giao thông trên các tuyến đường vẫn khá khó khăn.

Ghi nhận trong ngày 9/1, khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Quận 1, Quận 3, Quận 5… luôn trong tình ùn ứ giao thông trên các tuyến đường như Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Đồng Khởi, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu… Đặc biệt tại các giao lộ, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, khiến nhiều người rất khó khăn khi di chuyển qua các ngã tư.

Dù đường đông, nhưng hầu hết người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, rất ít trường hợp leo lề, chạy xe trên vỉa hè, không rẽ phải tại các nút giao khi đèn đỏ (trừ khu vực có tín hiệu cho phép rẽ phải).

Thậm chí đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vốn là “làn sóng xanh” (luông ưu tiên giao thông) cũng trong tình trạng dòng xe xếp hàng nối dài tại các nút giao.

Không chỉ khu vực trung tâm, nhiều tuyến đường từ các cửa ngõ vào trung tâm Thành phố như Quang Trung, Tân Sơn (quận Gò Vấp); Cộng Hòa, Trường Chinh (quận Tân Bình); Phạm Hữu Lầu, Lê Văn Lương, Nguyễn Lương Bằng (Quận 7); Dương Bá Trạc (Quận 8)… cũng thường xuyên ùn ứ, dòng phương tiện nối tiếp nhau xếp thành hàng dài, nhất là tại các nút giao.

Chị Phạm Thị Thanh Nhàn (làm việc tại Quận 3) cho biết: Trước đây, chị di chuyển một đoạn trên đường Dương Bá Trạc chỉ hết 5 phút để qua cầu Nguyễn Văn Cừ nhưng nay phải mất khoảng 15 - 20 mới thoát được qua điểm ùn tắc. Những ngày gần đây di chuyển rất khó khăn, phải nhích từng đoạn một, dù không phải giờ cao điểm.

Đại diện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện đơn vị đang thu thập dữ liệu để so sánh, với thời gian trong nhiều ngày, nhiều khung giờ trong ngày, đồng thời so sánh với cùng kỳ năm 2024 (thời điểm cận Tết Nguyên đán) để có báo cáo phân tích, đánh giá cụ thể.

Vừa là thời điểm cuối năm nên lượng phương tiện lưu thông tăng, cùng đó là thì tình trạng ùn tắc kéo dài các tuyến đường trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, tình trạng lưu thông không tuân thủ theo hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông đã hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, với mật độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, bề rộng mặt đường nhiều nơi hẹp dẫn đến phương tiện dừng chờ kéo dài.

Do đó, ngoài việc điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu linh động, Sở Giao thông Vận tải đang tổ chức rà soát, xem xét triển khai lắp đặt bổ sung các đèn tín hiệu giao thông cho phép một số phương tiện được phép rẽ phải, rẽ trái hoặc cho phép các phương tiện tham gia giao thông được phép rẽ phải, rẽ trái (đèn mũi tên) tại một số giao lộ nhằm hạn chế tình trạng lượng phương tiện dừng chờ kéo dài.

Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, vận hành điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Hiện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý 1.070 chốt đèn tín hiệu giao thông; trong đó có 843 chốt đèn tín hiệu giao thông hoạt động độc lập và 227 chốt đèn tín hiệu giao thông hoạt động kết nối điều khiển tại Trung tâm điều khiển.

Đối với hệ thống đèn kết nối tại Trung tâm Điều khiển, đơn vị trực thuộc Sở Giao thông Vận tải luôn bố trí lực lượng theo dõi, kịp thời đề xuất và đưa ra phương án điều chỉnh thời lượng hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông phù hợp với từng thời điểm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong ngày, qua đó có sự điều chỉnh linh hoạt để giảm đáng kể tình trạng ùn ứ.

Với hệ thống đèn hoạt động độc lập, thời lượng đèn tín hiệu giao thông được thiết lập nhiều khung thời gian khác nhau trong ngày (giờ cao điểm và giờ ngoài cao điểm) và cố định thời gian sau khi đã thiết lập với mục đích phù hợp với giao thông, giảm ùn tắc.

Bên cạnh đó, vào thời gian cao điểm trong ngày (từ 6 giờ 30 đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ), các lực lượng chức năng tham gia điều chỉnh hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, góp phần giảm ùn ứ trên địa bàn. Sở đang thí một số giải pháp trong hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông trong việc tổ chức giao thông trong thời gian qua - đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết.

Cụ thể, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại khu vực nút giao thông Hàng Xanh, Ngã 5 Đài Liệt sỹ, giao lộ Ung Văn Khiêm-Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Gia Trí-D5 (quận Bình Thạnh). Qua theo dõi, kể từ khi thí điểm, tình hình giao thông tại các khu vực này cơ bản ổn định.

Sở cũng thực hiện các dự án về điều khiển giao thông tự động cho trục đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ với giải pháp kỹ thuật số song sinh (Digital Twin) có ứng dụng AI thế hệ mới để thu thập, phân tích, báo cáo và lưu trữ thống kê các dữ liệu mô tả tình trạng và hiệu suất khai thác của hệ thống đường bộ theo thời gian thực; phát hiện tắc nghẽn hay các sự cố giao thông để tự động đưa ra cảnh báo cho người vận hành.

Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục xem xét mở rộng việc ứng dụng công nghệ AI trong điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục