Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có nguy cơ lan nhanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, một số trường học trong các quận nội thành đã quyết định kiểm soát chặt an toàn thực phẩm.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, bắt đầu từ ngày 12/3, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hạn chế thịt lợn để chế biến các món ăn trong thực đơn bán trú của học sinh trong trường, đồng thời siết chặt việc kiểm soát nhập thực phẩm cho đến khi hết dịch. Quyết định của nhà trường đã nhận được sự đồng tình của các phụ huynh.
Theo bà Đỗ Thị Vẻ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, khi các ổ dịch xuất hiện tại Hà Nội, nhiều phụ huynh trong trường tỏ ý lo ngại về thực đơn bữa ăn trưa của học sinh. Do đó, bên cạnh việc quyết định tạm thời hạn chế các món ăn được chế biến từ thịt lợn, thay thế bằng một số thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, cá… nhà trường đã tăng cường các biện pháp kiểm soát thực phẩm đầu vào, đặc biệt là thịt lợn, đồng thời mời phụ huynh cùng tham gia qua trình nhập thực phẩm mỗi buổi sáng.
“Chúng tôi không bỏ hẳn các món ăn làm từ thịt lợn mà chỉ hạn chế một phần trong thời gian xảy ra dịch. Đối với các thực phẩm đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, nhà trường vẫn yên tâm sử dụng trong bữa ăn cho học sinh,” bà Đỗ Thị Vẻ cho biết.
Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng cho biết, Phòng đã yêu cầu các trường hạn chế các món ăn được chế biến từ thịt lợn, đồng thời phối hợp với nhà cung cấp thực phẩm tăng cường kiểm soát chặt nguồn thịt lợn, đảm bảo an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại huyện Chương Mỹ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn kiểm soát chặt đầu vào thịt lợn, hạn chế chế biến các món ăn từ thịt lợn trong thời gian xảy ra dịch, đồng thời thay thế luân phiên các thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, thịt vịt, cá, trứng… đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh.
[Thịt lợn vẫn đảm bảo nguồn cung bất chấp dịch tả lợn châu Phi lây lan]
“Trước đây, một số trường sắp xếp 3 bữa thịt lợn/tuần thì hiện nay giảm xuống còn 1-2 bữa/tuần. Thực phẩm đưa vào thay thế có làm cho giá bữa ăn tăng lên nhưng chúng tôi yêu cầu các trường vẫn phải đảm bảo khẩu phần và chất lượng bữa ăn,” bà Tạ Thu Hương, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, việc một số trường không đưa vào thực đơn những món ăn từ thịt lợn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền chăn nuôi của Việt Nam. Đây là vấn đề xã hội lớn chứ không chỉ trong phạm vi trường học. Vì thế, các trường cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo bữa ăn học sinh được an toàn.
“Các cơ sở giáo dục phải tăng cường tự kiểm tra hàng ngày; phát huy vai trò giám sát của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, phối hợp giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp. Cần sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, không được dùng các sản phẩm chưa được nấu chín trong trường học,” ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.
Theo thông tin mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Hà Nội vừa phát hiện thêm một ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Sóc Sơn.
Như vậy, tính đến thời điểm ngày 11/3, Hà Nội đã phát hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Hoàng Mai và Sóc Sơn./.