Nhiều trẻ mắc ho gà nhập viện trong tình trạng nguy kịch

Trong một tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ vào viện trong tình trạng suy hô hấp do ho gà dai dẳng.
Nhiều trẻ mắc ho gà nhập viện trong tình trạng nguy kịch ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc cho một bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: TTXVN)

Thời tiết chuyển sang Đông-Xuân là thời kỳ cao điểm của ho gà. Đặc biệt, trong một tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ vào viện trong tình trạng suy hô hấp do ho gà dai dẳng.

Đó là trường hợp một bé 2 tháng tuổi mắc ho gà phải điều trị thở ôxy trong 2 tuần. Một bé gái 3 tuổi ở Hà Nội cũng bị ho gà nhập viện đã trong tình trạng nguy kịch: suy thở, suy tuần hoàn phải điều trị thở máy.

Suy hô hấp vì ho gà

Hiện nay, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhi có biểu hiện mắc bệnh ho gà. Điều đáng nói là các bé này đều không được gia đình tiêm đầy đủ vắcxin phòng bệnh.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) thời gian qua cũng tiếp nhận một số bé nghi ngờ mắc bệnh ho gà. Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp vì ho, biến chứng viêm phổi. Trên lâm sàng, các bệnh nhi đều có biểu hiện nghi ngờ với những cơn họ dữ dội, kéo dài, sau ho xuất tiết nhiều đờm nhớt… đặc biệt các trẻ đều có tiền sử chưa tiêm phòng.

Bệnh ho gà lâu nay vốn lâu nay vốn là bệnh không phổ biến bởi nó đã được bảo vệ bằng việc tiêm phòng vắcxin nay đang có nhiều nguy cơ xuất hiện trở lại, với nhiều trẻ mắc ho gà dẫn đến suy hô hấp.

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, điển hình như trường hợp một bé mới 2 tháng tuổi ở Hải Phòng vừa được ra viện sau hai tuần điều trị thở oxy tại Khoa hô hấp.

Theo lời người nhà của bệnh nhân kẻ lại, cách đây một tháng, bé Dương ho từng cơn rũ rượi, tiếng thở rít, sau cơn ho xuất hiện tím tái, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở.

Tại bệnh viện tỉnh, bé được chẩn đoán viêm phế quản phổi và điều trị trong 10 ngày. Tuy nhiên, do bệnh tình không thuyên giảm, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Qua thăm khám và chụp X quang phổi, các bác sỹ nhận thấy bé có bội nhiễm viêm phế quản, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, xét nghiệm dịch mũi họng cho kết quả dương tính với virus ho gà.

Qua khai thác tiền sử bệnh, gia đình cho biết bé chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh này.

Một trường hợp khác là bé gái Trần Phương Linh (2 tuổi, Hà Nội) cũng đang được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực của bệnh viện cũng là một trường hợp bị biến chứng ho gà. Bé cũng chưa được tiêm vắcxin.

Các bác sỹ cho biết, cháu Linh khi nhập viện đã trong tình trạng nguy kịch: suy thở, suy tuần hoàn. Bé đã được điều trị bằng thở máy, hỗ trợ tim mạch, dùng thuốc kháng sinh phù hợp. May mắn, sau 5 ngày tình trạng bệnh nhi đã cải thiện rõ rệt: bé cai được máy thở, giảm các triệu chứng viêm phổi. Tuy trẻ vẫn còn ho nhưng cơn ho không dai dẳng, không gây tím tái.

Nhiều trẻ mắc ho gà nhập viện trong tình trạng nguy kịch ảnh 2Tiêm vắcxin là cách tốt nhất để phòng bệnh ho gà. (Ảnh: TTXVN)

Triệu chứng ho gà rất giống cảm cúm

Theo tiến sỹ Lê Hồng Hanh - Phó Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng ho gà rất giống với những chứng bệnh cảm thông thường nên nhiều gia đình có tâm lý chủ quan tự mua thuốc về chữa cho con. Đến khi thấy trẻ ho nặng, bị tím tái mới đưa vào viện thì đã trong tình trạng nguy kịch vì suy hô hấp.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh này dễ lây lan qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, ôm hôn..) khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu phân tích, hiện nay vẫn còn một số ca bệnh ho gà mắc rải rác. Đây là loại bệnh mà Việt Nam chưa thanh toán, chưa loại trừ được. Việc xuất hiện những ca bệnh ho gà rải rác không đáng lo, tuy nhiên người dân không nên chủ quan.

Theo ông Phu, để phòng bệnh thì hiện nay việc tiêm vắcxin là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất. Đối tượng nào không được tiêm vắcxin phòng bệnh nguy cơ mắc rất cao. Đối với phụ nữ mang thai, tiêm phòng đầy đủ giúp bảo vệ thai nhi ngay từ thời kỳ bào thai.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các gia đình cần chú ý cho trẻ tiêm đầy đủ ba mũi vắcxin 5 trong 1 (Quinvaxem) và một mũi tiêm nhắc lại để phòng bệnh ho gà. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần tránh cho bé tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh.

Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành ở mọi nơi trong cả nước. Khi chưa thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng, bệnh ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng ở miền núi là nơi có trình độ kinh tế-xã hội phát triển thấp.

Trong vụ dịch, bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, trẻ được tiêm vắcxin phối hợp để phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Trong đó, tiêm mũi một khi 2 tháng tuổi, mũi hai khi 3 tháng và mũi ba khi 4 tháng và trẻ tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi được 18 tháng tuổi./.

Với bệnh ho gà, biểu hiện lâm sàng khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài.

Bệnh ho gà diễn biến qua 3 giai đoạn, ở giai đoạn đầu xuất tiết bệnh nhi ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm).

Ở giai đoạn toàn phát (từ 1-2 tuần kế tiếp) bệnh nhi bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Những cơn ho khiến trẻ cảm giác không thở được, người tím tái. Cũng chính những con ho dài dữ dội khiến trẻ mệt, kiệt sức.

Giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục