Nhiều trạm quan trắc ‘quên’ nhiệm vụ khi ô nhiễm không khí nặng

Khu vực Hà Nội đang “chìm” trong bầu không khí “trắng đục,” mịt mù của sương và khói bụi, nhưng nhiều trạm quan trắc môi trường không khí lại đang "ngủ đông," không hoạt động.
Trời mù mịt từ sáng tới chiều tại khu vực quận Hoàng Mai trong ngày 2/3. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Trời mù mịt từ sáng tới chiều tại khu vực quận Hoàng Mai trong ngày 2/3. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Từ ngày 28/2 đến nay, nhiều khu vực ở thành phố Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên “chìm” trong bầu không khí “trắng đục,” mịt mù của sương và khói bụi. Thế nhưng, hiện trạng trên chỉ được ghi nhận ở một số điểm quan trắc, trong khi rất nhiều điểm đo vẫn “ngủ đông,” không hiển thị số liệu trong suốt nhiều ngày.

Ô nhiễm không khí liên tiếp ở mức đáng lo

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, trong ngày 2/3, nhiều khu vực ở thành phố Hà Nội như quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Hà Đông, Đống Đa… vẫn “chìm” trong bầu không khí trắng đục, mịt mù.

Trên ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cả 2 điểm quan trắc tại Hà Nội cũng liên tiếp ghi nhận ở ngưỡng không khí bị ô nhiễm.

Trong đó, tại điểm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, không khí ô nhiễm ở ngưỡng “màu đỏ” (xấu) với chỉ số chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) lên tới 158. Ở ngưỡng này, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Còn ở điểm quan trắc Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (quận Cầu Giấy), ô nhiễm không khí thường xuyên ở ngưỡng màu cam (mức kém) với chỉ số AQI 109.

[Photo: Nhiều khu vực tại Hà Nội chìm trong không khí ô nhiễm nặng]

Trong khi đó, trên ứng dụng AirVisual (của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ), hầu hết các điểm quan trắc tại Hà Nội trong 2 ngày nay đều ghi nhận chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng màu đỏ, thậm chí một số điểm ghi nhận ngưỡng ô nhiễm màu tím (rất xấu).

Điển hình như tại khu vực Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, tại thời điểm 14 giờ chiều 2/3, ứng dụng AirVisual ghi nhận ô nhiễm không khí ở ngưỡng màu tím, với chỉ số AQI lên tới 234. Phần lớn các điểm khác ở ngưỡng màu đỏ như: Hoàn Kiếm với chỉ số AQI 159; Sóc Sơn 169; Tô Ngọc Vân 189; Phạm Văn Đồng 165…

Trước đó, nhiều thời điểm trong ngày 1/3, tại điểm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ cũng ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng màu đỏ với chỉ số chỉ số ô nhiễm 153; tại điểm quan trắc Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chỉ số AQI 103.

Trên ứng dụng AirVisual, hầu hết tại các điểm quan trắc ở Hà Nội đều ghi nhận ô nhiễm ở ngưỡng màu đỏ. Đặc biệt, điểm quan trắc tại Happy House Garden (quận Hoàn Kiếm) và Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ) ở ngưỡng ô nhiễm màu tím.

Nhiều trạm quan trắc ‘quên’ nhiệm vụ khi ô nhiễm không khí nặng ảnh 1Tại điểm đo ở Minh Khai-Bắc Từ Liêm, hệ thống quan trắc không khí chỉ hiện thị ngày 5/11/2021 và cũng không hiện thị chỉ số chất lượng không khí. (Ảnh chụp màn hình)

Tương tự, ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) cũng ghi nhận Hà Nội có tới 35 điểm màu đỏ; 13 điểm màu tím; 2 điểm màu nâu - ngưỡng nguy hại cho sức khỏe.

Nhiều điểm đo “ngủ đông” trong nhiều ngày

Đáng nói là, dù ô nhiễm không khí luôn trong tình trạng xấu và rất xấu nhưng tại nhiều điểm quan trắc không khí lại không hoạt động, hiển thị số liệu. 

Cụ thể, hệ thống quan trắc môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường với 35 điểm đo, quan trắc không khí đặt tại các quận, huyện cũng chỉ có 1 điểm đo tại Chi cục Bảo vệ Môi trường hiển thị chỉ số ô nhiễm và đưa ra cảnh báo.

Hầu hết các điểm đo còn lại trên hệ thống quan trắc môi trường không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã “quên” hiển thị số liệu quan trắc chất lượng không khí cũng như đưa ra cảnh báo cho người dân. Thậm chí, nhiều điểm đo còn không cập nhật ngày, tháng, thời gian hoạt động trong nhiều ngày.

Đơn cử như tại điểm đo Minh Khai-Bắc Từ Liêm, hệ thống quan trắc chỉ hiện thị ngày 5/11/2021 và cũng không hiện thị chỉ số chất lượng không khí.

Tại các điểm đo khác ở Khương Trung, Đào Duy Từ, Cầu Diễn, Pháp Vân, Đội Bình, Vân Đình, Quảng Phú Cầu, Lê Trực, Tứ Liên, Sóc Sơn… hệ thống quan trắc cũng chỉ hiện thị ngày quan trắc 23/12/2021, không hiện thị chỉ số chất lượng không khí.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus chiều 2/3 về thực trạng trên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết lý do dẫn tới việc hệ thống quan trắc môi trường không khí không hiển thị số liệu cũng như các chỉ số chất lượng không khí, là bởi hệ thống này đang bị lỗi phần mềm từ nhiều ngày qua.

Giải thích thêm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh rằng phần mềm quan trắc môi trường không khí này có nguồn gốc từ Pháp (do bên Pháp cung cấp thiết bị). Vừa qua, phần mềm bị lỗi nên hiện nay Sở vẫn đang tìm phương án xử lý.

Riêng với điểm quan trắc tại Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội hiện đang ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí ở ngưỡng kém, phía Chi cục này cho biết với chỉ số AIQ hiện nay, nhóm nhạy cảm (những người có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp, bệnh lý tim mạch, người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người đang mang bệnh hoặc có thể trạng yếu) có thể sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe nên hạn chế hoạt động ngoài trời.

Riêng với những người mắc bệnh hen suyễn, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội khuyến cáo có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn.

Với nhóm người bình thường, những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng thì nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời. Đối với học sinh, có thể hoạt động bên ngoài nhưng nên giảm bớt việc tập thể dục kéo dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục