Nhiều tiềm năng hợp tác an ninh năng lượng giữa Việt Nam và Ấn Độ

Tuyên bố chung của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ đều xác định hợp tác năng lượng là trụ cột thứ ba trong năm trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Một dự án Nhà máy điện Mặt Trời tại tỉnh Bình Định. (Nguồn: TTXVN)

Hợp tác năng lượng Việt Nam-Ấn Độ có nhiều tiềm năng phát triển và là cấu phần quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định như vậy tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam-Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới," diễn ra sáng 27/5, tại Hà Nội.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh an ninh năng lượng là vấn đề an ninh phi truyền thống, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam và Ấn Độ là hai nền kinh tế phát triển rất năng động ở châu Á.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm tăng nhanh mức tiêu thụ năng lượng ở hai nước, tạo ra sức ép lớn cho việc cân bằng quan hệ giữa cung và cầu năng lượng.

Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, hai nước đều sở hữu những nguồn năng lượng đa dạng, nhất là nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu năng lượng của hai nước đã có những chuyển dịch tích cực, từ chỗ chủ yếu khai thác các loại năng lượng hóa thạch truyền thống sang một cơ cấu năng lượng tổng hợp, có nhiều nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Hiện Việt Nam đã xây dựng Đề án quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2035; trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia theo hướng đa dạng hóa nguồn năng lượng, tăng cường khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phát triển thị trường năng lượng có nhiều cạnh tranh, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Chính phủ Ấn Độ đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng cách tìm kiếm, phát triển những nguồn năng lượng mới. Việc thành lập riêng Bộ Điện năng và Bộ Năng lượng mới và tái tạo cho thấy Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm vấn đề an ninh năng lượng, đặc biệt là sản xuất năng lượng tái tạo cho mục tiêu phát triển bền vững.

Tuyên bố chung của các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam và Ấn Độ gần đây đều xác định rõ hợp tác năng lượng là trụ cột thứ ba trong năm trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Hợp tác hai nước về năng lượng được triển khai trên 4 lĩnh vực chính là năng lượng hạt nhân, dầu khí, năng lượng điện và năng lượng tái tạo.

[Ấn Độ cam kết tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam]

Về năng lượng hạt nhân, Việt Nam-Ấn Độ đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác quan trọng. Chính phủ Ấn Độ đã viện trợ cho Việt Nam thành lập Trung tâm Đào tạo Việt Nam-Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt; tặng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ thiết bị điều trị Bhabhatron II Teletherapy; cử chuyên gia Ấn Độ sang Việt Nam vận hành và đào tạo cán bộ chuyên môn cho Việt Nam, mời cán bộ chuyên môn của Việt Nam sang đào tạo tại Ấn Độ.

Về lĩnh vực dầu khí, Ấn Độ là một trong những nước sớm có hợp tác với Việt Nam. Ấn Độ-Việt Nam đã ký nhiều biên bản thăm dò dầu khí chung.

Về lĩnh vực điện năng, Ấn Độ đã và đang dành cho Việt Nam nhiều khoản tín dụng ưu đãi.

Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tính đến năm 2018, Ấn Độ đã có 176 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 814 triệu USD.

Nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ đã đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam như dự án sản xuất điện Mặt Trời tại Bình Thuận của Tập đoàn TATA, dự án đầu tư xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo công suất 1000 MWcủa Tập đoàn Adani, dự án đầu tư của Tập đoàn Suzlon để sản xuất thiết bị tuabin điện gió và xây dựng các cánh đồng điện gió tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Bình Định.

Hệ thống pin năng lượng Mặt Trời. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng hợp tác Việt Nam-Ấn Độ về an ninh năng lượng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng của mỗi nước.

Đến nay, hai nước vẫn chưa có những hình thức tổng kết, đánh giá hiệu quả hợp tác, bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những rào cản, phát huy tiềm năng và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này.

Hội thảo lần này là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, chuyên gia, học giả hai nước cùng thảo luận, phân tích lĩnh vực hợp tác an ninh năng lượng giữa Việt Nam-Ấn Độ.

Chia sẻ tại hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, ngài Parvathaneni Harish, nhấn mạnh tới một số kết quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ trong năm 2018 đã lên tới 14 tỷ USD. Hai nước đang hợp tác đúng hướng để đạt mục tiêu 20 tỷ USD trong năm 2020. Quan hệ hợp tác về chính trị, quốc phòng an ninh ngày càng được củng cố với những kết nối mạnh mẽ.

Hợp tác trên các lĩnh vực khác như nông nghiệp, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, du lịch… được mở rộng. Ấn Độ tiếp tục là một trong những đối tác phát triển đáng tin cậy nhất của Việt Nam.

Đại sứ Parvathaneni Harish cho biết về lĩnh vực an ninh năng lượng, hiện nay, Ấn Độ đứng thứ năm trên thế giới về nguồn năng lượng tái tạo, đứng thứ tư về nguồn năng lượng gió và thứ năm về nguồn năng lượng mặt trời.

Chính phủ Ấn Độ thành công khi có những dự án góp phần tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo từ 6,5% năm 2015 lên 10,6 % năm 2018.

Chính phủ Ấn Độ thúc đẩy phát triển điện gió thông qua hình thức thu mua điện gió theo hình thức đấu thầu, lắp đặt các tấm thu nhiệt để phát triển điện Mặt Trời trên khắp cả nước.

Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng lĩnh vực hợp tác về an ninh năng lượng giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo. Điều này sẽ góp phần làm phong phú, sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ vì sự phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá vấn đề an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, nhất là dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những gợi mở cho chính sách an ninh năng lượng mới của Việt Nam-Ấn Độ.

Các đại biểu đánh giá thực trạng, chính sách an ninh năng lượng Việt Nam-Ấn Độ; thực trạng, tiềm năng hợp tác Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh năng lượng; chỉ ra những thành tựu đạt được, những rào cản trong hợp tác năng lượng giữa hai nước; đặc biệt đánh giá khả năng đầu tư vào phát triển lĩnh vực năng lượng của các doanh nghiệp hai nước.

Một số ý kiến tại hội thảo đã nêu lên những đề xuất các giải pháp, kiến nghị góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam-Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi nước, góp phần triển khai mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày một thiết thực, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục