Sông Hương là một trong những dòng sông nổi tiếng của Việt Nam được mệnh danh là “dòng sông di sản” chảy qua trung tâm thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Trên dòng sông Hương thơ mộng, từ lâu những chiếc thuyền rồng chở khách đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đặc biệt gắn bó với loại hình ca Huế trên sông phục vụ du khách về đêm.
Tuy nhiên, phần lớn những chiếc thuyền rồng chở khách sẽ bắt đầu hết niên hạn hoạt động, phải đóng thuyền mới trong năm 2022 và một vài năm tới. Do vậy, đây cũng là thời điểm cần thiết để tỉnh Thừa Thiên-Huế có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các con thuyền chở khách trên sông Hương từ một sản phẩm “du lịch bình dân” hướng tới một sản phẩm du lịch đẳng cấp.
Những chiếc thuyền rồng du lịch trên sông Hương ra đời từ đầu những năm 1990 của thế kỷ 20 khi du lịch Thừa Thiên-Huế bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ.
Từ một vài mẫu thuyền có gắn đầu rồng ban đầu, nhiều người dân vạn đò sống bằng nghề đánh cá hay khai thác cát trên sông Hương đã nắm bắt xu hướng chuyển đổi nghề, đầu tư sắm những chiếc thuyền vỏ nhôm để chở khách du lịch từ đó đến nay.
Hết niên hạn hoạt động
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế, trên sông Hương hiện có 128 thuyền rồng chở khách du lịch. Theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu,” những chiếc thuyền này có thời gian được phép hoạt động là 30 năm.
[Hình ảnh sông Hương đẹp quyến rũ, làm say lòng du khách về đêm]
Chiếu theo Nghị định 111/2014/NĐ-CP, trong năm 2022, trên sông Hương, 9 phương tiện sẽ dừng hoạt động và trong một vài năm tới, con số này sẽ chiếm khoảng hơn 70% trong tổng số phương tiện.
Dọc ven bờ sông Hương đoạn ngang qua tuyến đường Trịnh Công Sơn là Bến thuyền du lịch Phú Cát, nơi neo đậu tập trung của những chiếc thuyền rồng du lịch. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn hai năm nay trở lại đây, bến thuyền rơi vào cảnh vắng vẻ, chỉ có các chủ tàu thỉnh thoảng ghé kiểm tra dây neo, máy móc, đồ đạc ở trên tàu.
Hiện nay, phần lớn các mẫu thuyền đóng từ đầu những năm 1990 là thuyền rồng đơn hoặc thuyền đôi được trang trí bằng khung vỏ nhôm kính. Những thuyền này trên danh nghĩa là thành viên của Hợp tác xã Vận tải đường sông thành phố Huế hoặc thuộc của một vài công ty tư nhân với mục đích để tiện đóng thuế, phí theo tháng, còn thực tế đều là sở hữu của các hộ gia đình. Do vậy, nhiều chiếc thuyền du lịch cũng chính là nơi ở sinh hoạt hàng ngày của người dân kết hợp với phục vụ du lịch.
Là một trong những thuyền trưởng lớn tuổi, gắn bó lâu năm nhất với hoạt động chở khách bằng thuyền rồng trên dòng Hương Giang, ông Nguyễn Văn Lân, chủ thuyền TTH 0045 chia sẻ, các hộ dân ở đây cả đời gắn bó với nghiệp sông nước, chiếc thuyền là phương tiện mưu sinh chủ yếu nên khi hết niên hạn hoạt động, bà con cũng có nhiều tâm tư.
“Quy định của Nhà nước ban ra, bà con sẽ chấp hành để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển du khách trên sông. Tuy nhiên, các ngành chức năng của địa phương cần có những hướng dẫn cụ thể cho những hộ dân có nhu cầu đóng thuyền mới hoặc chuyển đổi sang nghề khác,” ông Lân nói.
Vào mùa du lịch những năm trước đây, lượng du khách đến với thành phố Huế rất đông, các nhà thuyền trên sông Hương có thu nhập tương đối ổn định.
Thuyền rồng đôi chạy đoạn gần trung tâm thành phố có giá vé khoảng 100.000 đồng/khách, trọn gói 400 ngàn đồng/chuyến. Nếu khách có nhu cầu nghe ca Huế, mức giá trọn gói sẽ khoảng 1,2 triệu đồng/giờ. Nếu chạy tuyến xa hơn lên tới chùa Thiên Mụ hoặc lăng vua Gia Long, mức giá sẽ tăng thêm.
Tuy nhiên, khi ngành du lịch địa phương chịu tác động của dịch COVID-19, các thuyền nằm bờ, những người sống nơi đây phải loay hoay tìm kiếm những công việc khác để mưu sinh.
Theo lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 13 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), những chiếc thuyền rồng du lịch này trước đây do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp giấy đăng kiểm, từ tháng 7/2019 được bàn giao cho đơn vị kiểm định, cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.
Những chiếc thuyền chở khách này được đóng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm dân gian và trong quá trình hoạt động vận chuyển khách chưa để xảy ra vụ tai nạn lớn về giao thông đường thủy. Thời gian gần đây, đơn vị đã ghi cụ thể niên hạn sử dụng của phương tiện vào trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phổ biến nội dung quy định của Nhà nước để người dân biết chấp hành.
Cần những hướng dẫn cụ thể
Theo quy định, chiếc thuyền TTH 0045 của ông Nguyễn Văn Lân sẽ hết niên hạn hoạt động vào đầu tháng 10/2022. Chiếc thuyền thân đôi này có chiều dài là 12m, chiều rộng gần 6,4m, với vật liệu vỏ là hợp kim nhôm, được phép chở tối đa 35 khách.
Theo ông Lân, gia đình đã được cơ quan chức năng đăng kiểm phổ biến quy định về niên hạn hoạt động của chiếc thuyền, nếu muốn hoạt động chở khách trên sông Hương bắt buộc phải đóng thuyền mới.
Gắn bó với con thuyền hàng chục năm, ông Lân cũng đã chuẩn bị tâm lý hạ giải con thuyền để bán phế liệu, sẵn sàng vay mượn để đầu tư mua một thuyền du lịch mới. Theo tính toán của ông, khi bán phế liệu con thuyền cũ cũng thu về được hơn 100 triệu đồng, số tiền còn lại để đóng mới sẽ phải đi vay mượn.
“Một chiếc thuyền đóng mới hiện có giá ít nhất từ 2-3 tỷ đồng nhưng tôi vẫn sẽ quyết tâm vay mượn để sắm một con thuyền mới, bởi cả cuộc đời đã gắn bó với dòng sông Hương từ nghề đánh cá đến khi chuyển sang nghề chở khách du lịch. Tuy nhiên, thủ tục để đóng tàu mới cùng với kiểu dáng, mẫu mã và những quy định liên quan đến nay chưa có cơ quan chuyên môn nào của tỉnh xuống phổ biến cho bà con được nắm rõ,” ông Nguyễn Văn Lân cho biết.
Việc đóng những con tàu mới với chi phí cao nên không phải các chủ phương tiện nào cũng có đủ khả năng tài chính để đầu tư, nhất là hoạt động du lịch hiện đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Đỗ Văn Thắng, chủ một thuyền rồng, bà con hiện nay chỉ mới nghe thông báo về chuẩn bị hết niên hạn hoạt động của thuyền từ cán bộ đăng kiểm, chưa thấy các ngành chức năng khác của thành phố và tỉnh xuống họp dân để hướng dẫn quy trình đóng mới, chính sách hỗ trợ vay vốn hay chuyển đổi nghề nghiệp cho những hộ dân không đủ năng lực đầu tư đóng thuyền mới.
Để giải quyết những khó khăn, thắc mắc của các chủ phương tiện chở khách du lịch đang và chuẩn bị hết niên hạn hoạt động, các sở, ngành liên quan của tỉnh Thừa Thiên-Huế như Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và Ủy ban Nhân dân thành phố Huế… cần có sự phối hợp hỗ trợ, sát cánh cùng người dân trong quá trình chuyển đổi này./.