Nhiều thương hiệu thời trang cao cấp rút khỏi thị trường Nga

Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Hermès Nga đã đóng ba cửa hàng tại Moskva, còn cửa hàng mới định mở tại Saint Petersburg thì bị hoãn vô thời hạn.

Thương hiệu Hermès của Pháp không gia hạn hợp đồng thuê cửa hàng tại Trung tâm thương mại hạng sang GUM ở trung tâm Moskva. (Nguồn: interior.ru)
Thương hiệu Hermès của Pháp không gia hạn hợp đồng thuê cửa hàng tại Trung tâm thương mại hạng sang GUM ở trung tâm Moskva. (Nguồn: interior.ru)

Thương hiệu thời trang cao cấp Fendi của Italy sẽ không ký hợp đồng thuê cửa hàng duy nhất còn lại tại Nga, và thương hiệu Hermès của Pháp cũng không gia hạn hợp đồng thuê cửa hàng tại Trung tâm thương mại hạng sang GUM ở trung tâm Moskva.

GUM xác nhận hai thương hiệu này đang dọn khỏi cửa hàng đã kinh doanh gần mười năm nay. Hiện thế chân Fendi tại Trung tâm thương mại đắt giá nhất Moskva là nhãn hiệu Pinko cũng của Italy, còn “người kế nhiệm” Hermès thì chưa được tiết lộ.

Việc tìm người thuê lại mặt bằng của các nhãn hàng tầm cao như Fendi và Hermès không phải điều dễ dàng, vì “khởi nghiệp” tại trung tâm sang trọng và đắt đỏ nhất thủ đô Moskva không phải là lựa chọn đầu tiên cho các nhãn hàng mới.

Tuy nhiên, quản lý GUM Mikhail Kusnirovych cho biết nhà mốt của câu lạc bộ bóng đá “Dinamo” và thương hiệu trang phục nữ Ellassay của Trung Quốc đã thay thế thành công Louis Vuitton và Prada tại GUM.

Lý do của việc “rút quân” khỏi địa điểm kinh doanh lâu năm này là điều dễ hiểu qua các con số. Năm 2023, Hermès Nga báo lỗ ròng 1,8 tỷ ruble (hơn 19,5 triệu USD).

Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Hermès Nga đã đóng ba cửa hàng tại Moskva, còn cửa hàng mới định mở tại Saint Petersburg thì bị hoãn vô thời hạn.

Trong khi đó, doanh thu của nhà mốt Fendi tại Nga đã giảm gần 22 lần trong năm 2023, từ hơn 800 triệu ruble (8,63 triệu USD) năm 2022 còn 36,7 triệu ruble (gần 400.000 USD), mà doanh thu này không phải đến từ việc bán hàng, mà từ việc hoàn lại hàng hóa cho nhà cung cấp.

Theo tính toán của các chuyên gia, trong hai năm qua, khoảng một phần ba số các nhãn hàng cao cấp đã ngừng hoạt động tại Nga.

Ông Ekaterina Nogai, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phân tích tại IBC Real Estate, cho biết 73% thương hiệu xa xỉ có mặt trên thị trường Nga tiếp tục hoạt động ở Nga, nhưng hầu hết không có nguồn cung mới. 25% thương hiệu xa xỉ đã tạm dừng hoạt động ở Nga, trong đó có Chanel, Gucci, Cartier.

Giới chuyên gia cũng ghi nhận những thay đổi trong chiến lược thâm nhập thị trường. Nếu trước đây các thương hiệu mở các cửa hàng trung tâm và có kế hoạch phát triển hoành tráng thì giờ đây họ mở từ một đến ba cửa hàng để thử nghiệm thị trường.

Và nếu trong quý 1 năm 2023, các thương hiệu nước ngoài mới đến với thị trường Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ, thì trong quý 1 năm 2024, đến 40% thương hiệu mới là thương hiệu Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục