Ở Sydney, nơi đa số người dân được tận hưởng cuộc sống tự do trong suốt đại dịch, người ta cảm giác như thể virus chỉ vừa mới xuất hiện. Thành phố này đang ở giữa đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ mùa Xuân năm 2020.
Theo The Economist, đợt dịch này bắt đầu vào tháng trước, khi một người đàn ông bị nhiễm bệnh đi lang thang trong một trung tâm thương mại ở vùng ngoại ô phía đông bên bờ biển của Sydney. Sau 4 tuần đóng cửa, thành phố 5 triệu dân hiện ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới mỗi ngày.
So sánh với tỷ lệ lây nhiễm trước đây của Australia, đây là một vấn đề nghiêm trọng. Ngay cả khi áp dụng các hạn chế đi lại, virus vẫn len lỏi được vào các thị trấn vùng quê và vượt qua biên giới các bang.
Bang Victoria đã phải đóng cửa lần thứ năm để đối mặt một đợt bùng phát mới, với hơn 140 ca dương tính.
Bang Nam Australia cũng đã ban hành các lệnh yêu cầu người dân ở tại nhà vào hôm 20/7 vừa rồi, sau khi một người đàn ông nhiễm virus ở Sydney lây nhiễm cho một số người khác.
Hơn một nửa trong số 25 triệu dân tại Australia hiện phải thực hiện giãn cách. Nhiều người Australia quay ra chỉ trích Gladys Berejiklian, thủ hiến thuộc đảng Tự do (bảo thủ) của bang New South Wales.
Họ đổ lỗi cho việc bà không lập tức đóng cửa Sydney ngay khi phát hiện ra ca nhiễm đầu tiên.
Chính quyền của bà Berejiklian từng dựa vào truy vết tiếp xúc để ngăn chặn các đợt bùng phát trước đây. Tuy nhiên, họ đã không thể theo kịp biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm cao hơn. Bà Berejiklian bị cáo buộc đã hành động quá ít và quá muộn.
Australia, đất nước từng được mệnh danh là Quốc gia may mắn và nhận được nhiều lợi khen ngợi cho việc chặn đứng COVID-19 bằng cách nhanh chóng đóng cửa biên giới, hiện đang rất cần một sự thay đổi khi kế hoạch nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân thất bại, khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước những biến chủng có khả năng lây lan mạnh.
[Dịch COVID-19: Australia gia hạn lệnh phong tỏa ở Sydney]
Chỉ có khoảng 15% dân số trưởng thành tại Australia được tiêm phòng đầy đủ - một tỷ lệ thấp đến bất ngờ cho một quốc gia thuộc khối OECD, nơi tập trung chủ yếu các nước giàu.
Các nguồn cung vaccine cũng thiếu hụt vì chính phủ của thủ tướng Scott Morrison đã không ký đủ các thỏa thuận ngay từ đầu.
Loại vaccine mà Australia có nhiều - vaccine của AstraZeneca - thì chỉ được chính phủ chỉ định cho người trên 60 tuổi. Nhiều người thuộc nhóm này thì thà không tiêm, vì loại vaccine này có thể gây đông máu. Lý lẽ của họ là, tại sao phải mạo hiểm khi virus corona gần như đã vắng bóng ở Australia?
Nhấn mạnh rằng họ chỉ đơn thuần làm theo lời khuyên của các chuyên gia miễn dịch, chính phủ lại thổi bùng lên sự hoài nghi bằng cách liên tục thay đổi các khuyến nghị về việc ai có thể tiêm phòng vaccine AstraZeneca một cách an toàn.
Kết quả là một phần tư trong số 25% người dân trên 70 tuổi chưa được tiêm chủng đã trì hoãn hoặc từ chối tiêm vì họ muốn được tiêm một loại vaccine khác.
Theo dõi tình hình dịch bệnh trên thế giới từ nơi xa, người Australia có lý do để tự mãn. Họ hoàn toàn ủng hộ việc đóng cửa biên giới quốc gia với người nước ngoài.
Nhưng khi các nước khác mở cửa, sự kiên nhẫn của họ lại giảm dần. Sự ủng hộ dành cho chính phủ liên minh của ông Morrison giảm sút.
Cuộc thăm dò dư luận của The Australia, một tờ báo thuộc đảng bảo thủ, cho thấy đảng Lao động đã đánh mất quyền lực từ năm 2013 bỏ xa liên minh lãnh đạo. Cử tri lúc này có thể đặt nhiều niềm tin hơn vào các nhà lãnh đạo bang với quyền lực đang lớn mạnh.
Trong khi người dân lớn tiếng yêu cầu các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn, bà Berejiklian đã thiết lập một vành đai cách ly xung quanh các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Sydney, và trừ các nhân viên cấp cứu, người dân bị cấm việc di chuyển ra vào.
Các khách sạn và khu sườn dốc trượt tuyết bị bỏ không. Lần đầu tiên, các công nhân xây dựng được yêu cầu dừng làm việc. Cứ mỗi tuần các công trường xây dựng phải đóng cửa, nền kinh tế của bang này có thể tổn thất tới 1,4 tỷ dollar Australia (tương đương 1 tỷ USD), theo nhận định của các tập đoàn công nghiệp.
Theo nhà kinh tế Sarah Hunter, nếu các đợt đóng cửa kéo dài, nền kinh tế quốc gia lần đầu tiên có thể sẽ đi xuống trong quý 3 trong suốt hơn một năm qua. Hy vọng được đặt ở một triệu liều vaccine của Pfizer vừa được chuyển đến. Và con số này sẽ còn tăng lên.
Stephen Duckett, một nhà kinh tế y tế thuộc Viện Grattan, một viện nghiên cứu chính sách cho rằng, nếu may mắn, tới năm sau, Australia có thể tiêm chủng cho 80% dân số trưởng thành.
Ông cho rằng con số này xấp xỉ tỷ lệ cần đạt được trước khi cân nhắc việc mở cửa với thế giới. Cho tới lúc đó, Australia vẫn chưa thể đạt được trạng thái bình thường.
Việc biên giới bị đóng cửa gây khó khăn cho cả công dân nước này, những người muốn từ nước ngoài bay trở về nước. Thủ tướng Morrison vừa giảm một nửa số lượng người được nhập cảnh mỗi tuần xuống 3.000 người./.