Nhiều thành tựu ứng dụng trong lĩnh vực huyết học-truyền máu

Trong lĩnh vực huyết học, các y bác sỹ đã ứng dụng các tiến bộ của thế giới về thuốc nhắm đích trong điều trị ung thư máu, đem lại chất lượng cuộc sống tốt với thời gian sống kéo dài cho người bệnh.
Thời gian qua, ngành huyết học-truyền máu Việt Nam đã chủ động, sáng tạo trong việc huy động người hiến máu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những năm qua, ngành huyết học-truyền máu Việt Nam đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ của y học thế giới và đạt được nhiều bước tiến.

Trong lĩnh vực huyết học, các y bác sỹ đã ứng dụng các tiến bộ của thế giới về thuốc nhắm đích trong điều trị ung thư máu nhằm đem lại chất lượng cuộc sống tốt với thời gian sống kéo dài cho người bệnh.

Thông tin trên được Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đưa ra tại hội nghị khoa học huyết học-truyền máu toàn quốc năm 2020 diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội.

[Việt Nam được đánh giá cao về nỗ lực phòng, chống kháng thuốc]

Đặc biệt, Việt Nam thực hiện thành công khảo sát dịch tễ về tan máu bẩm sinh trên toàn quốc và phối hợp thực hiện chương trình tầm soát gene bệnh, tiến tới giảm dần số trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh tại một số địa phương…

Phát biểu tại hội nghị, tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương nhấn mạnh năm 2020 là một năm đầy biến động do đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Công tác truyền máu tại hàng loạt quốc gia phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng về nguồn người hiến máu.

Trong bối cảnh đó, ngành huyết học-truyền máu Việt Nam đã chủ động, sáng tạo trong việc huy động người hiến máu và tổ chức tiếp nhận, cung cấp máu an toàn, góp phần vào thành công chung của cả nước trước đại dịch.

Trong lĩnh vực truyền máu, hoạt động truyền máu đã triển khai đồng bộ xét nghiệm sinh học phân tử, tăng khả năng kiểm soát các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu; chuẩn hóa quy trình điều chế nhiều chế phẩm máu…

Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh nói về công tác truyền máu trong một năm đầy biến động do đại dịch COVID-19:

Ở lĩnh vực huyết học, các cơ sở y tế có những bước phát triển liên tục trong hoạt động ghép tế bào gốc, chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho nhiều bệnh viện tại các tỉnh, thành phố…

Bên cạnh đó, lĩnh vực di truyền-sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gene ở bệnh ung thư máu, thalassemia, hemophilia… góp phần nâng cao chất lượng điều trị và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền.

Hội nghị khoa học huyết học-truyền máu toàn quốc năm 2020, do Viện huyết học-Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam tổ chức trong các ngày 26-27/11 tại Hà Nội.

Các bạn trẻ tham gia hiến máu nhân đạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu tại hội nghị có cơ hội cập nhật kiến thức mới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn thông qua gần 100 bài chuyên luận và báo cáo có chất lượng về các lĩnh vực: huyết học lâm sàng, huyết học cận lâm sàng, truyền máu, ghép tế bào gốc, di truyền-sinh học phân tử... cùng với các gian triển lãm và các hoạt động bên lề có ý nghĩa.

Hội nghị cũng dành thời lượng cho chuyên đề báo cáo viên trẻ với 17 báo cáo do các cán bộ trẻ trình bày./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục