Diễn đàn "Thực phẩm cho tương lai" lần thứ hai do Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm châu Á (FIA) tổ chức ngày 25/4 quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm cũng như các tổ chức phi chính phủ, đại diện chính phủ và các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á nhằm thảo luận về các xu hướng, ý tưởng và giải pháp phát triển chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu trong tương lai.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho biết dân số toàn cầu dự kiến sẽ tăng 30%, lên 9,7 tỷ người vào năm 2050 và nhu cầu lương thực toàn cầu cũng được dự đoán sẽ tăng 60% với nhu cầu lớn hơn về thịt và protein.
Tuy nhiên, sản xuất thực phẩm toàn cầu hiện đang phải đối mặt với những thách thức để theo kịp nhu cầu gia tăng do sự khan hiếm các nguồn tài nguyên như đất, nước và năng lượng.
Hơn nữa, năng suất sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu như nhiệt độ khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt từ mực nước biển dâng cao.
Do vậy mà khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung đang đứng trước những thách thức không nhỏ do chuỗi cung ứng thực phẩm đang trở nên phức tạp hơn.
Các sản phẩm thực phẩm và mô hình kinh doanh ngày càng phát triển để đáp ứng thị hiếu và sở thích thay đổi của người tiêu dùng.
Chính điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của những thế hệ thực phẩm mới, các sản phẩm dinh dưỡng cho quản lý sức khỏe, sự phát triển của thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng thực phẩm...
Những yếu tố này bên cạnh việc mở ra nhiều cơ hội cho ngành thực phẩm nông nghiệp, thì cũng gây ra những rủi ro về an toàn thực phẩm mới cho người tiêu dùng.
[Lượng mưa thay đổi tác động tới chất lượng đất trồng lương thực]
Theo ông Ehab AbouOaf, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm châu Á (FIA), thời gian tới sẽ có ba xu hướng mới tác động tới ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu, đó là tính bền vững, an toàn cho sức khỏe và sự tiện lợi.
Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm thì các nhà sản xuất cũng cần phải tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm cải thiện chất lượng và tạo ra các loại thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng và bền vững trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại trong việc nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lim Kok Thai-Giám đốc điều hành Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA), cho biết, là một quốc gia nhập khẩu hơn 90% thực phẩm từ nước ngoài, Singapore rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài và những diễn biến bất lợi của chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.
Trong khi đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nước này cũng bị giới hạn dưới 1% trên tổng diện tích đất.
Do vậy, Chính phủ Singapore nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới để biến những thách thức thành lợi thế chiến lược và đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm an toàn.
Mục tiêu của Đảo quốc Sư tử là đáp ứng được 30% nhu cầu về thực phẩm dinh dưỡng của người dân vào năm 2030, trong đó lấy nghiên cứu và phát triển (R&D) là động lực chính.
Để thực hiện mực tiêu này, Chính phủ đã cam kết tài trợ lên tới 144 triệu đôla Singapore (SGD) cho các chương trình R&D liên quan đến thực phẩm trong Kế hoạch Nghiên cứu, Đổi mới Doanh nghiệp đến năm 2020; trong đó tập trung phát triển các giải pháp sản xuất thực phẩm bền vững trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đổi mới an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển nông nghiệp bền vững.../.