Theo kết luận trong báo cáo được công bố ngày 5/5 của tổ chức Carbon Tracker, nhiều tập đoàn tài chính lớn cho dù công khai ủng hộ các nỗ lực hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, nhưng lại đang đầu tư hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp dầu khí lớn nhất trên thế giới.
Theo báo cáo, 25 thành viên thuộc sáng kiến Net Zero Asset Managers đang nắm giữ tổng cộng 417 tỷ USD cổ phần tại 15 doanh nghiệp dầu khí lớn trên thế giới, trong đó có ExxonMobil và TotalEnergies.
Không doanh nghiệp nào trong số 15 “đại gia” dầu khí trên có ý định phát triển kinh doanh phù hợp với Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, trong đó đề ra mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thậm chí trong năm ngoái, nhiều tập đoàn tài chính đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch sau khi giá năng lượng tăng vọt do xung đột Nga-Ukraine.
Tác giả báo cáo, chuyên gia phân tích lĩnh vực xăng dầu và khai khoáng Maeve O'Connor cảnh báo hoạt động đầu tư trái với những cam kết khí hậu sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của các quỹ tài chính trong mắt nhiều chủ sở hữu tài sản có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời gia tăng rủi ro chuyển đổi năng lượng.
Carbon Tracker cũng xem xét 90 tập đoàn quản lý tài sản và cảnh báo nhiều sản phẩm của họ đang trái với cam kết bảo vệ môi trường và gây hiểu nhầm cho các nhà đầu tư.
[Các tập đoàn dầu khí lớn không đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu]
Cụ thể, hơn 160 quỹ được quảng bá với các nhãn ESG (tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị) hay bền vững, khí hậu, carbon, chuyển đổi đang nắm giữ 4,6 tỷ USD tiền đầu tư vào 15 doanh nghiệp dầu khí trên thế giới.
Trước đó, trong thông báo ngày 15/9/2022, Tổ chức Các nhà đầu tư chống biến đổi khí hậu (IIGCC) cho biết hơn 20 nhà đầu tư hàng đầu thế giới với giá trị tài sản cộng gộp ở mức 10.400 tỷ USD đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều tập đoàn năng lượng lớn bậc nhất thế giới, như BP, Repsol, Shell và Total.
Điều này sẽ cho phép tạo ra "một sân chơi bình đẳng trong báo cáo của các tập đoàn, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư về các kế hoạch trung hòa phát thải khí carbon đáng tin cậy và có thể so sánh được.
Giám đốc điều hành của IIGCC - bà Stephanie Pfeifer, nhấn mạnh: "Trong 18 tháng, các nhà lãnh đạo ngành dầu khí đã đưa ra các mục tiêu tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu của họ là trung hòa mức phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và đáp ứng các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu."
Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu đặt mục tiêu giữ cho mức tăng của nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và lý tưởng nhất là gần 1,5 độ C vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch cho biết họ đang nỗ lực thể hiện vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các tập đoàn năng lượng cũng hy vọng đạt được mục tiêu mà họ đề ra nhờ vào việc giảm sản lượng dầu và khí đốt dự kiến sẽ giảm, trong khi công tác sản xuất các nguồn năng lượng sạch hơn và bền vững như điện và năng lượng gió đang được thúc đẩy.
Ông Adam Matthews - một thành viên của IIGCC cho biết: "Để các nhà đầu tư thực hiện vai trò của họ, chúng ta cần có tạo ra khả năng so sánh chiến lược của các tập đoàn khác nhau trong một khuôn khổ phù hợp với tất cả các cách tiếp cận. Mục tiêu của chúng tôi trong việc phát triển Tiêu chuẩn trung hòa carbon của ngành dầu khí này là nhằm thực hiện công việc ấy.”./.