Nhiều tài xế xe ôm truyền thống dùng ‘cục gạch’… chạy Uber, Grab

Sau một thời gian, lái xe ôm Uber, Grab đã tính cách chạy “kép” với việc dùng đồng phục áo Grab, mũ Uber hay xe ôm thân thiện mặc áo Grab.
Mỗi khi khách xuống, tài xế xe ôm truyền thống hay sử dụng công nghệ Grab đều vội vã đến để chào mời đi xe. (Ảnh: Phương Linh/Vietnam+)

Sự xâm nhập của xe ôm công nghệ (Uber Moto, Grabikke) đã khiến cánh tài xế xe ôm truyền thống nhiều lúc rơi vào tỉnh cảnh “đói khách”. Nhiều xe ôm truyền thống buộc phải chạy theo xu thế thời đại khi phải gia nhập đội quân Uber, Grab khi chạy xe ôm bằng ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ nhanh chóng về số lượng, đội ngũ tài xế xe ôm quá đông, thu nhập có phần giảm. Sau một thời gian, lái xe ôm Uber, Grab đã tính cách chạy “kép” với việc dùng đồng phục áo Grab, mũ Uber hay xe ôm thân thiện mặc áo Grab.

Xe ôm “chân trong, chân ngoài”

Trên các tuyến đường của thành phố Hà Nội, nhiều người dễ dàng bắt gặp hình ảnh tài xế áo xanh chạy xe ôm ứng dụng công nghệ Grab, Uber. Thực tế, ở bất cứ đâu, màu áo xanh đã phủ kín các con ngõ, ngách nội đô.

[‘Grab, Uber không thể đơn phương muốn tăng chiết khấu là tăng?’]

Với việc tranh thủ thời gian rảnh rỗi và việc chạy xe Grab chỉ là nghề phụ kiếm thêm thu nhập, anh T, một tài xế Grab hoạt động tại khu vực Đại học Thương mại cho biết: “Bây giờ rất nhiều người lái Grab, muốn làm ăn được phải làm ‘chân trong, chân ngoài’. Khi có khách đặt xe qua ứng dụng sẽ thông báo để tài xế nhận chuyến. Có nhiều khách cũng lựa chọn mặc cả giá và chạy như xe ôm truyền thống.”

Theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều lý do khiến tài xế từ bỏ xe ôm công nghệ nhưng vẫn giữ “mác Grab, Uber” để chạy xe. Trước đây, khi chưa nở rộ loại hình xe ôm công nghệ, tài xế chạy xe Grab, Uber nếu làm chăm chỉ thu nhập mỗi tháng có thể lên đến 7-10 triệu đồng, trừ đi chi phí chuyển về hệ thống là 20% và tiền điện thoại, xăng xe thì mức thu này cũng thuộc loại khá so với mặt bằng chung.

Thế nhưng, khi tình trạng “đất chật người đông” khiến lượng khách đặt xe qua hệ thống bị phân bổ sang nhiều xe khách, tài xế buộc phải chọn cách bỏ hệ thống để chạy ngoài với mong muốn “ăn ra” một chút để trang trải cuộc sống. Khách hàng hiện tại cũng không chuộng việc đặt xe qua hệ thống mà tiện thì gọi ngay ngoài đường khi thấy các “tài xế áo xanh”.

Anh V, một tài xế chạy Grab đã bỏ hệ thống gần đây cho biết: “Nếu bây giờ cứ đi theo hệ thống thì không sống được. Trước đây, khi hãng thu hút tài xế thì chỉ cần bật ứng dụng gọi xe là đã có tiền, lại ít tài xế gia nhập nên thu nhập khá. Giờ, khách chia nhỏ ra mà vẫn đóng mức chiết khấu khoảng 20% thì chả còn là bao.”

[Grab phản hồi về vụ tài xế Grabbike đình công vì chiết khấu mới]

Do đó, anh V đã quyết định bỏ chạy ứng dụng hệ thống Grab và chấp nhận việc “đi câu khách” với việc chạy nhiều sẽ được hưởng toàn bộ số tiền mà không phải ăn chia với hãng.

Dùng “cục gạch” vẫn chạy Grab

Theo phản ánh của nhiều khách hàng, xe ôm công nghệ hiện tại thật giả lẫn lộn khó phân biệt. Hầu hết, các tài xế áo xanh chạy tự do ngoài đường đều chạy như xe ôm bình thường, dù họ mặc đồng phục xe ôm công nghệ nhưng lại không đăng ký qua hệ thống quản lý.

Với khoảng 100.000 đồng, các tài xế có thể trang bị cho bản thân một chiếc mũ hay áo ở các địa chỉ mà chỉ các lái xe rỉ tai nhau mới biết.

Nhiều xe ôm truyền thống sử dụng trang phục của Grab nhưng vẫn chạy bằng mặc cả giá tiền chặng đường. (Ảnh: Hoài Thu/Vietnam+)

Vốn chạy xe ôm truyền thống khoảng gần 10 năm nay, ông H chạy xe quanh khu vực trường Đại học Quốc gia Hà Nội trong túi xách để ở xe vẫn có cả mũ, áo của Grab. Tuy nhiên, ông không thường chạy theo loại hình công nghệ này phần vì không thông thạo công nghệ, vả lại cũng “bon chen” được một vị trí đứng bắt khách riêng không bị cạnh tranh.

Theo ông H, để có thể đặt một chuyến xe ôm công nghệ đúng nghĩa, người dùng bắt buộc phải dùng hệ thống đặt xe. Nếu chạy không qua hệ thống ứng dụng, giá cả qua thỏa thuận miệng, cánh tài xế này sẽ sử dụng thủ thuật giá ngang với Grab, Uber, thậm chí nhỉnh hơn đôi chút nhưng không phải đóng chiết khấu về hãng.

“Nhiều người vẫn dùng ‘cục gạch’ mà vẫn lái Grab như thường. Tâm lý người dân ham rẻ nhưng lại không hiểu biết cặn kẽ, luôn nghĩ xe ôm công nghệ rẻ hơn nên sẽ gọi cánh lái xe mặc áo Grab không qua hệ thống, tuy nhiên nhiều trường hợp bị ‘hớ’ mà không hề hay biết,” ông H tiết lộ.

[Chờ Nghị định để định danh Uber, Grab là vận tải hay công nghệ?

Với đoạn đường từ ngã tư Xuân Thủy đến Xuân La dài khoảng 7km, bằng cách gọi tài xế Grab mà không qua hệ thống, người dùng phải trả hơn 80.000 đồng, mức giá cao hơn gấp gần 3 lần so với cách tính tiền trên hệ thống niêm yết vào khung giờ 5 giờ chiều.

Lợi dụng nhiều khách hàng “nhẹ dạ, cả tin” không gọi xe qua hệ thống mà vẫn bắt Grab kiểu dọc đường, các tài xế đã tập trung ở các khu vực đông người gọi như bến xe, bệnh viện, các tuyến đường chính để bắt khách dễ dàng.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ban ngành và người dân về dự thảo Nghị định 86 sửa đổi để trình Chính phủ trong đó tập trung vào việc định danh Uber, Grab là loại hình kết nối công nghệ hay vận tải nhằm siết chặt quản lý đối với hình thức đang còn tồn tại nhiều tranh cãi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục