Cùng với việc đẩy mạnh hình thức tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 qua hệ thống truyền thanh, tuyên truyền cổ động trực quan, lồng ghép với các sinh hoạt đoàn thể..., tại Hà Nội đang xuất hiện nhiều sáng kiến tuyên truyền mới được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Một trong số đó là vẽ tranh tuyên truyền trên các bốt điện, những tác phẩm nghệ thuật graffiti trên đường phố hay trên cả một tòa nhà... vừa tạo sự vui nhộn, vừa tác động đến ý thức người dân trong phòng, chống dịch.
Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến phố Hà Nội như Quang Trung, Nguyễn Trãi (quận Hà Đông), khu vực ngã tư Bạch Mai-Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) xuất hiện những bốt điện được vẽ hình ảnh vui tươi về đội ngũ y bác sỹ phòng chống dịch, hình ảnh người dân đeo khẩu trang, bàn tay đẩy lùi SARS-CoV-2, rửa tay sát khuẩn...
Kèm theo đó là thông điệp “Cảm ơn những chiến sỹ áo trắng,” “Đeo khẩu trang khi ra đường,” “Đeo khẩu trang để bảo vệ chính bạn,” “Quyết tâm đẩy lùi virus Corona,” “Chúng tôi đi làm vì mọi người, mọi người hãy ở nhà vì chúng tôi”...
Những hình ảnh, thông điệp nói trên đã tôn vinh đội ngũ y bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch, vận động người dân thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Thực tế, vẽ tranh trên các bốt điện tại các đường phố Hà Nội không phải là chuyện mới, song trong thời điểm này các hình ảnh tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch COVID-19 rất có ý nghĩa, để nâng cao ý thức người dân khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Những hình ảnh ngộ nghĩnh, vui tươi mang lại sự mới mẻ và được nhiều người đón nhận.
Các bức vẽ này hầu hết do Đoàn Thanh niên các phường phối hợp với Hội Cựu chiến binh và một số đoàn thể khác thực hiện. Lựa chọn các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn, những bức vẽ trên bốt điện vừa tạo một nét mới cho con phố nhưng cũng truyền tải thông điệp phòng, chống dịch bệnh đến với nhiều người.
Hiện nay, nguy cơ lây nhiễm dịch ngoài cộng đồng hiện vẫn rất cao, công tác phòng, chống dịch bệnh là trách nhiệm chung của mọi người. Trong bối cảnh đó, tại cộng đồng đã xuất hiện nhiều sáng kiến hay trong tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh những bức tranh tuyên truyền trên bốt điện thì những tác phẩm nghệ thuật graffiti vốn rất được giới trẻ ưa chuộng nay cũng được các nghệ sỹ chuyên nghiệp ứng dụng để tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19.
Một căn biệt thự tại Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) được trang trí bởi tác phẩm nghệ thuật graffiti (vẽ tranh đường phố) với thông điệp “Stay strong - Let’s stay home” (Hãy mạnh mẽ - Hãy ở nhà).
Người thực hiện tác phẩm này là nghệ sỹ graffiti Lê Long và các cộng sự. Rất may mắn, khi lên ý tưởng thực hiện tác phẩm nghệ thuật graffiti phòng, chống dịch COVID-19 bao phủ toàn bộ ngôi nhà thì anh đã được chủ nhà đồng ý.
Dù thực hiện tác phẩm cho toàn bộ ngôi nhà cao 4 tầng gặp không ít khó khăn nhưng nhóm của anh quyết tâm, hứng thú thực hiện và đến nay là một tác phẩm vô cùng độc đáo đã hình thành.
Thông qua đó, các nghệ sỹ muốn góp tiếng nói để người dân Hà Nội nâng cao ý thức, cùng chung tay phòng chống dịch COVID-19.
Không chỉ căn biệt thự ở Khu đô thị Văn Phú, họa sỹ Lê Long cùng cộng sự còn thực hiện một loạt tác phẩm nghệ thuật graffiti với chủ đề "Chung tay đánh bay COVID-19" tại nhiều địa điểm quanh Hà Nội như phố Lâm Hạ (quận Long Biên), phố Quán Gánh (huyện Thường Tín), đường Mậu Lương (quận Hà Đông), phố Trịnh Đình Cửu (quận Hoàng Mai)...
Đa số các tác phẩm đều được thực hiện trên những bức tường nhà người dân tại những khu vực rộng rãi có nhiều người qua lại, dễ quan sát và được đông đảo người dân đón nhận, đánh giá cao cả về tính thẩm mỹ cũng như thông điệp truyền tải.
Bên cạnh đó, những ngày gần đây, triển lãm tranh trực tuyến “Bé vẽ Hà Nội” do nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội thực hiện đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Cùng với những góc nhìn khác nhau về cuộc sống, con người, cảnh quan Hà Nội, các họa sỹ nhí cũng tập trung đề tài phòng, chống dịch COVID-19. Đó là tác phẩm: “Chiến đấu vì sự sống” của Nguyễn Minh Quân, “COVID 2020-2021” của Nguyễn Hà Minh Anh...
Những suy nghĩ, cảm xúc của trẻ em thông qua bức vẽ cũng đã khiến nhiều người lớn phải suy nghĩ về hành động, việc làm của mình trong cuộc chiến với dịch bệnh. Triển lãm đã có hàng chục nghìn lượt tương tác, hàng nghìn lượt chia sẻ.
Những sáng tạo trong tuyên truyền thông qua con đường nghệ thuật, trong đó có hội họa, đã tạo hiệu quả cao để ý thức cộng đồng được nâng lên, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô./.