Trong khi Hàn Quốc, Australia, Pháp phải tăng cường các biện pháp hạn chế do các ca nhiễm mới COVID-19 tăng mạnh, thì Thái Lan tiếp tục ghi nhận số tử vong cao nhất trong ngày.
Hàn Quốc gia hạn giãn cách xã hội mức cao nhất ở vùng thủ đô Seoul
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này phát hiện thêm 1.540 ca COVID-19, trong đó có 1.476 ca lây nhiễm trong nước và 64 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 213.987 ca.
Hàn Quốc cũng thông báo có thêm 9 người tử vong, nâng tổng số người tử vong do dịch COVID-19 lên 2.134 người.
Trong số các trường hợp lây nhiễm tại địa phương, thủ đô Seoul ghi nhận 356 ca, tiếp theo là tỉnh Gyeonggi, bao quanh Seoul với 398 ca và 64 ca ở thành phố Incheon. Thành phố cảng Busan ghi nhận thêm 105 ca mắc.
Hàn Quốc thông báo đã có thêm 9 người tử vong, nâng tổng số người tử vong do dịch COVID-19 lên 2.134 người.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách quyết định gia hạn thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao nhất (cấp độ 4) ở vùng thủ đô Seoul đến ngày 22/8 tới, trong khi đa số các khu vực khác áp dụng lệnh giãn cách ở cấp độ 3.
Thành phố Busan, miền Nam Hàn Quốc, quyết định nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 4, mức cao nhất, để phòng ngừa dịch COVID-19.
Theo đó, 7 bãi tắm nổi tiếng của thành phố đều phải tạm đóng cửa, dừng đón du khách. Dù chỉ tạm bị đóng cửa, nhưng chỉ 2 tuần nữa là qua đợt cao điểm nghỉ mát mùa Hè, nên hoạt động của các bãi tắm này trong năm nay coi như đã kết thúc vào cuối tuần trước.
Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng giới hạn tụ tập riêng tư dưới 4 người cho tới 18h, và chỉ 2 người vào ban đêm.
Thành phố cũng rút ngắn thời gian hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng, giảm 30% số chuyến xe buýt nội thành và 12% số tuyến xe buýt chạy trong quận, phường sau 22h.
Các tuyến đường sắt đô thị cũng bị giảm 30% số chuyến, áp dụng từ ngày 13/8, do cần thời gian điều chỉnh các tuyến. Với phương tiện taxi, thành phố khuyến cáo giới hạn số hành khách đi taxi tối đa là 2 người sau 18h.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc hướng dẫn vẫn cho học sinh tới trường ở mức giãn cách xã hội cấp độ 4, song chính quyền thành phố Busan vẫn quyết định chuyển sang giảng dạy từ xa bắt đầu từ tuần này, áp dụng trong vòng 1 tuần, sau đó sẽ quyết định phương án giảng dạy cụ thể.
Australia siết chặt việc thực hiện biện pháp hạn chế tại Sydney
Cùng ngày 10/8, nhà chức trách Australia thông báo tăng cường thực thi biện pháp giãn cách để phòng chống dịch COVID-19 tại thành phố Sydney thuộc bang New South Wales (NSW) sau khi thành phố này ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất từ đầu dịch.
[Cảnh báo nguy cơ bùng phát các ca nhiễm biến thể Lambda tại Mỹ]
Chính quyền bang NSW cho biết cảnh sát đã được yêu cầu tăng cường kiểm tra số lượng người được phép ở trong các cửa hàng nhỏ và kiểm soát những người di chuyển trong trường hợp không cần thiết.
Hơn 5 triệu dân thành phố Sydney hiện đang thực hiện lệnh giãn cách trong hơn 6 tuần trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát mạnh do biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ có khả năng lây lan cao. Thành phố lớn nhất Australia công bố thêm 343 ca mắc ngày 10/8, tăng 66 ca so với một ngày trước.
Chính quyền bang NSW cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, đều là những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Tổng cộng 357 ca mắc đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 60 ca được điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt với 28 ca cần thở máy.
Biến thể Delta chiếm hơn 90% số ca nhiễm ở Thái Lan
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, kết quả khảo sát của Cục Khoa học Y tế cho thấy biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang nhanh chóng trở thành biến thể chính ở Thái Lan, với hơn 90% bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể này.
Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Supphakit Siriluck ngày 10/8 cho biết trong số 1.632 mẫu được khảo sát vào tuần trước, có 1.499 mẫu (tương đương 91,9%) đã nhiễm biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ; 129 mẫu (7,9%) nhiễm biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên tại Anh, và có 4 mẫu (0,2%) nhiễm biến thể Beta, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Ngoài 3 biến thể trên, chưa có biến thể nào khác được phát hiện ở Thái Lan.
Trong số 1.632 mẫu nói trên, 1.157 mẫu được thu thập ở Bangkok, với 95,4% bị nhiễm biến thể Delta và phần còn lại nhiễm biến thể Alpha. 475 mẫu còn lại được thu thập từ các tỉnh, trong đó 83,2% được phát hiện là bị nhiễm biến thể Delta và 16% bị nhiễm biến thể Alpha.
Tiến sĩ Supphakit nhận xét xu hướng lây nhiễm ở Thái Lan cho thấy biến thể Delta đang nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến và có thể được tìm thấy ở tất cả các tỉnh, trong khi biến thể Alpha cuối cùng sẽ không tồn tại. Riêng biến thể Beta vẫn sẽ ở các tỉnh miền Nam và không lan ra các vùng khác. Hiện tại, có 354 bệnh nhân bị nhiễm biến thể Beta ở tỉnh Narathiwat, 4 bệnh nhân ở Phuket và 1 bệnh nhân ở tỉnh Phatthalung. Không giống như Delta, biến thể Beta lây lan chậm hơn và do đó, dễ kiềm chế hơn.
Thái Lan ngày 10/8 lại ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mốc cao mới. Số liệu của Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 19.843 ca nhiễm và 235 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 795.951, trong đó có 6.588 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ ba ở Thái Lan, với 4.226 ca nhiễm mới cùng 111 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 10/8.
Do tình hình hiện nay ở Thái Lan, Mỹ đã đưa nước này vào danh sách cảnh báo người dân tránh đi lại.
Mỹ cảnh báo người dân không du lịch tới Pháp
Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo các công dân nước này không du lịch tới Pháp trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 ở quốc gia châu Âu này đang diễn biến phức tạp.
Nước Pháp đang vật lộn trong làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, mặc dù số ca bệnh phải nhập viện không cao như thời kỷ đỉnh dịch trước đây. Mặc dù vậy, trong khuyến cáo ngày 9/8, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa Pháp vào "Cấp độ 4: Không đi du lịch". Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ nhắc nhở nếu phải tới Pháp, công dân Mỹ phải chắc chắn đã được tiêm phòng đầy đủ trước khi đi.
Pháp đã ghi nhận hơn 6 triệu trường hợp mắc COVID-19 và 111.000 ca tử vong do căn bệnh này. Tuy số trường hợp tử vong đã có chiều hướng giảm, nhưng số các trường hợp lây nhiễm vẫn tiếp tục ở mức cao, khoảng 20.000 ca/ngày.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Pháp đã tiêm tổng cộng 74 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 55% dân số đủ điều kiện tiêm phòng đã được tiêm đủ liều. Nước này hiện cũng áp dụng hình thức “thẻ xanh COVID-19” để tạo điều kiện cho những người đã tiêm chủng trở lại với cuộc sống bình thường, nới lỏng tối đa các lệnh hạn chế.
Tuy nhiên, tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, nằm rải rác trên biển Caribe đến Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 vẫn còn rất thấp. Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh đã buộc chính quyền địa phương siết chặt các quy định phòng dịch.
Nhà chức trách đảo Martinique tại Caribe tối 9/8 đã ban bố lệnh phong tỏa và yêu cầu khách du lịch rời đi. Theo quy định mới này, tất cả các bãi biển, các cửa hàng không thiết yếu, cũng như các khách sạn sẽ phải đóng cửa và người dân chỉ có thể di chuyển trong bán kính 1km từ nhà của họ. Hiện tỷ lệ mắc COVID-19 tại đảo Martinique là 1.200 ca/100.000 cư dân, trong mới chỉ có 22% dân số ở đây được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Đảo Guadeloupe cũng đang trong tình trạng phong tỏa, dù cuộc sống người dân có phần “dễ thở” hơn so với trên đảo Martinique. Đảo Le Reunion ở Ấn Độ Dương cũng đang áp dụng phong tỏa một phần.
Trong khi đó, vùng lãnh thổ Polynesia nằm trên Thái Bình Dương cũng đang áp đặt lệnh giới nghiêm từ 9h00 tối nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch COVID-19./.