Nhiều quốc gia NATO tham gia chương trình mua sắm quốc phòng chung

Chương trình có tên "Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu," có sự tham gia của: Séc, Đức, Slovakia, Anh, Na Uy, Hungary, Bulgaria, Bỉ, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva, Hà Lan, Romania và Slovenia.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/10, 15 quốc gia châu Âu là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ký tuyên bố chung thể hiện ý định mua chung các hệ thống phòng không.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các quốc gia tham gia ký tuyên bố này gồm CH Séc, Đức, Slovakia, Anh, Na Uy, Hungary, Bulgaria, Bỉ, Phần Lan, Estonia,  Latvia, Litva, Hà Lan, Romania và Slovenia. Lễ ký kết diễn ra tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO.  

Các nước NATO tham gia chương trình mua sắm quốc phòng chung trên, hay còn có tên là "Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu," có thể cân nhắc mua hệ thống phòng không Arrow của Isarel hoặc  Patriot của Mỹ hay tên lửa phòng không IRIS-T của Đức.

[Hàn Quốc đẩy mạnh phát triển máy bay chiến đấu KF-21]

Tuy nhiên, động thái này không đồng nghĩa với việc chính quyền các nước trên đã thông qua kế hoạch mua những hệ thống phòng không tầm xa và đặt hàng với nhà sản xuất.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói rằng Berlin "chưa có quyết định cụ thể, nhưng Arrow 3 sẽ là hệ thống phòng không phù hợp với Đức,"trong khi một số quốc gia có ý định sở hữu tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh với sáng kiến trên, các nước châu Âu sẽ cùng có trách nhiệm đảm bảo an ninh bằng chính nguồn lực của mình.

Theo các Bộ trưởng Quốc phòng NATO, mục tiêu của "Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu" là tăng cường đáng kể "chiếc ô tên lửa" bằng cách kết nối một số hệ thống và tăng khả năng bảo vệ chống lại tên lửa đạn đạo hoặc các cuộc tấn công có sự hỗ trợ của máy bay không người lái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục