Tính đến ngày 23/3, Nhật Bản có 1.101 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona. Đây là con số ca nhiễm trong vòng hai tháng tính từ trường hợp đầu tiên - một người đàn ông từng tới Vũ Hán - được xác nhận mắc bệnh trong thời gian nhập viện tại Nhật Bản từ 10-15/1.
Ở Italy, trường hợp đầu tiên được xác nhận vào ngày 23/1, hai tuần sau Nhật Bản. Không lâu sau đó, 50.000 người ở nhiều thị trấn thuộc vùng Lombardy đã bị cách ly. Sau đó, khu vực cách ly mở rộng ra toàn miền Bắc.
Hiện tại, với hơn 59.000 trường hợp được xác nhận và 5.476 ca tử vong, Italy đang áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Tại Mỹ, New York đã đóng cửa các quán bar và nhà hàng, còn California cũng đã áp dụng các lệnh hạn chế di chuyển và các hoạt động của công dân ở quy mô lớn.
Nhưng ở Nhật, cuộc sống vẫn diễn ra tương đối bình thường. Báo Japan Times đã phân tích các lý do dịch bệnh ở Nhật không bùng phát như ở nhiều quốc gia khác.
Không có lệnh phong tỏa tại Nhật Bản
Tuy nhiên, không một cảnh tượng nào tương tự diễn ra tại Tokyo lúc này. Mặc dù các sự kiện thể thao đã bị hủy bỏ, trường học cho học sinh nghỉ ở nhà và một số trung tâm giải trí lớn đã đóng cửa, phần lớn các hoạt động tại Nhật Bản vẫn diễn ra bình thường.
Không có lệnh phong tỏa, cũng như không có lệnh bắt buộc đóng cửa các quán bar hay nhà hàng. Ngay cả các hộp đêm (những nơi có rủi ro lây nhiễm cao) cũng vẫn được mở cửa.
Mọi người vẫn có thể đi ăn mỳ ramen vào lúc 4 giờ sáng nếu muốn. Tàu điện ngầm cũng đã vãn người đi chút ít, nhưng lượng khách vẫn rất đông.
Thậm chí, người ta vẫn có thể thuê một chiếc ôtô và lái xe từ đầu này đến đầu kia đất nước rồi trở lại mà không bị ai ngăn cấm. Những điều này có nghĩa là đang có rất ít hành động ngăn cản sự lây lan của bệnh dịch.
Vậy tại sao lại có sự khác biệt này? Vì sao Nhật Bản dường như đang nằm ngoài cuộc càn quét của virus corona trong khi các nước khác lại chịu ảnh hưởng nặng nề?
Khi nhìn vào các yếu tố khiến virus lây lan nhanh chóng và dễ dàng ở những nơi khác, có thể thấy Nhật Bản đáp ứng tất cả các tiêu chí tương tự. Quốc gia này nằm gần Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên.
[Nhật Bản ghi nhận thêm 40 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2]
Các thành phố tại Nhật Bản đều lớn và đông dân, người dân chen chúc nhau trong những căn hộ nhỏ và trên những chuyến tàu, và bất chấp những yêu cầu giảm bớt việc đi lại và cố gắng làm việc từ xa, Tokyo, với dân số 38 triệu người, vẫn bận rộn như thường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một lý do khiến Italy bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là do tuổi thọ của dân số tại đây. Tuổi thọ trung bình của người dân Italy cao nhất châu Âu và đứng thứ hai thế giới. Trong khi đó, virus corona lại có tác động lớn nhất đến những người cao tuổi, vì hệ miễn dịch của họ có thể không đủ mạnh để chống lại bệnh viêm phổi do virus gây ra.
Nhật Bản đứng cao hơn Italy một bậc với tuổi thọ trung bình của dân số cao nhất thế giới, và những người già tại đây cũng có nguy cơ tương tự.
Một điểm tương đồng giữa những ca tử vong tại Trung Quốc là hút thuốc lá - những người bị tổn thương phổi có ít khả năng chống chọi lại virus hơn.
Một lần nữa, Nhật Bản lại đáp ứng tiêu chí này - chính phủ vẫn sở hữu 33% cổ phần của công ty thuốc lá Japan Tobacco, và luật pháp giám sát việc hút thuốc lá tại đất nước này vô cùng lỏng lẻo. Năm 2017, Nhật Bản là nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trong nhóm G7.
Nhật Bản cũng chưa áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt với công dân để kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ chưa áp dụng lệnh phong tỏa để hạn chế sự bùng phát như Trung Quốc đã làm, hay thực hiện nghiêm các lệnh cấm đi lại.
Hầu hết khách du lịch vẫn có thể đến Nhật Bản, và những người đến từ vùng có dịch cũng không bị cấm hoàn toàn - họ chỉ bị yêu cầu phải tự cách ly trong 14 ngày.
Sự khác biệt ở đây là gì?
Một lần nữa, câu hỏi lại là: Sự khác biệt ở đây là gì? Vì sao con số các ca bệnh được báo cáo ở Nhật Bản lại thấp như vậy?
Câu trả lời có thể là vì tỷ lệ xét nghiệm thấp. Nhật Bản báo cáo số ca nhiễm virus thấp như vậy vì hoạt động xét nghiệm tại đây không diễn ra ồ ạt.
Một dấu hỏi được đặt ra liên quan đến Olympic Tokyo 2020, với nghi ngờ rằng chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực giữ số lượng trường hợp được xác nhận ở mức thấp để sự kiện này được diễn ra theo kế hoạch.
Không giống như Hàn Quốc, nơi đang chứng kiến hoạt động xét nghiệm diễn ra một cách nghiêm ngặt, và bất chấp lời khuyên phải xét nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới, Nhật Bản vẫn cương quyết thực hiện chính sách chỉ xét nghiệm những người có triệu chứng rõ ràng hoặc từng tiếp xúc trực tiếp với những người có kết quả dương tính, nhằm cô lập các cụm dịch trước khi chúng mở rộng.
Các xét nghiệm mới có thể trả kết quả trong 10-15 phút hiện đã có, nhưng ngay cả khi có sự cải tiến công nghệ, theo chính sách hiện tại, việc xét nghiệm sẽ chỉ được chỉ định trong những trường hợp cực đoan nhất, khi người dân bị sốt từ bốn ngày trở lên.
Nhưng nếu chế độ xét nghiệm của chính phủ Nhật Bản là một sự thất bại, chắc chắn chúng ta sẽ thấy bằng chứng về sự lây lan của dịch bệnh theo những cách khác.
Sự hiện diện của virus không nằm ở những kết quả xét nghiệm dương tính, mà dưới vỏ bọc của một hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải và những nhà xác chật kín. Chúng ta vẫn chưa thấy những bằng chứng như vậy.
Ba dòng suy nghĩ khởi nguồn từ đây: âm mưu, may mắn và hiệu quả.
Thuyết âm mưu sẽ cho rằng đang có một sự che đậy ở quy mô lớn, rằng người dân đang chết tại nhà, không được xét nghiệm và cũng không được điều trị, hoặc bị làm giả hồ sơ tử vong tại bệnh viện.
Tuy nhiên, khó mà tin rằng những y bác sỹ ở đây sẽ, hoặc có thể, im lặng nếu số người chết vì dịch bệnh ở Nhật cũng cao như ở Italy. Mặc dù một chính phủ độc tài có thể mơ đến việc kiểm soát dân chúng ở mức độ đó, thực tế vẫn chứng minh điều này là không thể: các bác sĩ sẽ lên tiếng để ngăn chặn các ca tử vong - chúng ta đã chứng kiến điều đó tại Trung Quốc, chúng ta cũng sẽ thấy điều đó tại Nhật Bản.
Cũng khó có thể tin rằng Nhật Bản chỉ đơn thuần đã gặp may, rằng dịch bệnh không lây lan theo cách mà nó đã làm do một số điều kiện đã có từ trước: sự thân mật xã hội tương đối ít (cúi chào nhiều hơn bắt tay), thói quen đeo khẩu trang khi bị ốm đã có từ trước khi virus corona bùng phát, tỷ lệ sống cô lập cao ở người cao tuổi, và với việc có ít trường hợp tự cách ly tự nguyện cùng sự hạn chế tiếp xúc xã hội, đường cong nhiễm bệnh tại Nhật Bản đang dần đi ngang mà không cần một nỗ lực chủ động thật sự nào.
Quan điểm thứ ba đơn giản là những nỗ lực "vừa đủ" của Nhật Bản, căn cứ theo những điều kiện đã có từ trước, đã có tác dụng. Việc xét nghiệm nhắm mục tiêu khi cần thiết đã kiềm chế bệnh dịch ở nơi khởi phát; việc hủy bỏ các sự kiện đông người từ sớm đã giúp ngăn chặn việc tiếp xúc giữa người nhiễm bệnh và người khỏe mạnh ở diện rộng; và những nỗ lực phi tập trung xuất phát từ các cá nhân và tổ chức đã làm chậm lại tốc độ lây lan của virus mà không cần những chỉ thị mạnh tay từ chính phủ.
Nhưng "vừa đủ" thực sự cho cảm giác về một sự bấp bênh, và khi không có các nỗ lực phối hợp để buộc người dân hạn chế sự lây lan của virus, câu hỏi đặt ra là: Tình hình này sẽ kéo dài được bao lâu?
Thời gian ngăn chặn "sống còn" từ hai đến ba tuần, theo tuyên bố của thủ tướng Abe Shinzo hồi cuối tháng 2 đã kết thúc, và một số trường học đang chuẩn bị mở cửa lại. Nếu đi đến những nơi như ga Shinjuku ở Tokyo hay ngã tư Shibuya, bạn sẽ thấy rất đông người.
Người dân Nhật đang tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần dài ba ngày, và họ cũng vừa bước vào mùa lễ hội ngắm hoa anh đào, được đánh dấu bằng những hoạt động đặc trưng như cắm trại và ăn uống dưới những tán cây. Shinjuku Gyoen, một trong những công viên lớn nhất tại Tokyo, đang đón tiếp rất nhiều du khách đến chụp ảnh và chen chúc nhau giữa những đóa hoa.
Mặc dù các sự kiện ngắm hoa chính thức đã bị cấm, truyền thống này đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản đến nỗi thật khó mà tưởng tượng được người dân sẽ tuân thủ lệnh cấm tới mức hủy bỏ hoàn toàn hoạt động này.
Nếu Nhật Bản vẫn chưa đạt tới đỉnh điểm tồi tệ nhất của dịch bệnh, và các nghiên cứu cho thấy điều đó chưa xảy ra, liệu đây có thể là chất xúc tác hay không?