Nhiều quốc gia châu Âu tái áp đặt các biện pháp phong tỏa

Để kiềm chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tăng đột biến, nhiều chính phủ châu Âu đã phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.
Nhiều quốc gia châu Âu tái áp đặt các biện pháp phong tỏa ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 23/10/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Với hơn 46 triệu ca mắc và 1,2 triệu ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nền kinh tế toàn cầu vốn đang bị tàn phá nặng nề do cuộc khủng hoảng y tế, lại đang đối diện với nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng hơn khi dịch bệnh tại châu Âu và Mỹ diễn biến phức tạp trong vài ngày qua.

Để kiềm chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tăng đột biến, nhiều chính phủ châu Âu đã phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Ngày 2/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ban hành một loạt biện pháp phong tỏa, theo đó các quán bar, quán càphê, nhà hàng cùng các cơ sở giải trí như nhà hát, rạp chiếu phim... buộc phải đóng cửa.

Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 2/11 đến hết tháng.

[Dịch COVID-19: Số ca mắc ở châu Âu tăng gấp đôi trong 5 tuần]

Trong khi đó, Chính phủ Bỉ cũng dự kiến sẽ công bố nhiều biện pháp hạn chế mới khi tỷ lệ nhiễm virus tại nước này tính trên đầu người đang ở mức cao nhất thế giới.

Trước đó, Pháp, Bồ Đào Nha và Áo cũng thông báo phong tỏa từng phần hoặc toàn bộ đất nước bắt đầu từ tuần này.

Chính phủ Bồ Đào Nha thậm chí đang cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế nhằm siết chặt các biện pháp chống dịch hiện nay.

Thủ tướng Antonio Costa tuyên bố: "Chúng tôi đề xuất sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp với mục đích ngăn chặn dịch bệnh, tránh xảy ra những đáng tiếc về mặt pháp lý."

Theo kế hoạch này, các biện pháp phong tỏa chống dịch đã được áp đặt tại các khu vực miền Bắc Bồ Đào Nha sẽ được mở rộng ra phạm vi toàn lãnh thổ hoặc 70% dân số quốc gia 7,1 triệu dân này.

Cùng ngày, Chính phủ Hy Lạp cũng thông báo áp đặt phong tỏa hai tuần tại thành phố Thessaloniki lớn thứ hai cả nước và Serres ở miền Bắc nhằm kiềm chế tốc độ lây nhiễm.

Người phát ngôn chính phủ cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này thấp nhất so với các nước châu Âu khác, tuy nhiên sự gia tăng đáng báo động từ đầu  tháng 10 khiến giới chức lo ngại dịch có thể bùng phát mạnh.

Giới chức bang Geneva (Thụy Sĩ) ngày 2/11 cũng thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ quán bar, nhà hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu kể từ ngày 3/11.

Các bệnh viện cũng được cảnh báo về tình tráng quá tải và phải đưa ra quyết định khó khăn khi lựa chọn tiếp nhận bệnh nhân điều trị theo mức độ bệnh.

Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca mắc COVID-19 ở châu Âu đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 tuần qua, đưa tổng số ca bệnh ở "Lục địa Già" tính đến ngày 1/11 vượt ngưỡng 10 triệu ca./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục