Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang tiếp tục áp đặt các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội.
Anh không bắt buộc tiêm vắcxin phòng ngừa
Chính phủ Anh ngày 10/11 đã yêu cầu Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) sẵn sàng triển khai tiêm vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kể từ đầu tháng 12 tới. Kế đó, NHS sẽ nhân rộng hoạt động này, bắt đầu với những trường hợp dễ tổn thương nhất.
Trả lời phỏng vấn Sky News, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã xác nhận thông tin trên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hiện còn nhiều vướng mắc cần làm sáng tỏ và Chính phủ Anh sẽ chưa triển khai tiêm vắcxin cho tới khi có đủ các dữ liệu chứng minh tính an toàn của các đợt chủng ngừa lâm sàng.
Theo dự kiến, nước Anh sẽ có sẵn khoảng 10 triệu liều vắcxin vào cuối năm nay.
[Dịch COVID-19: BioNTech sẽ định giá vắcxin thấp hơn mức giá thị trường]
Cùng ngày, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Hancock cho biết người dân nước này sẽ có thể tự quyết định việc có hay không tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Giới chức Anh không đề xuất bắt buộc tiêm vắcxin.
Ngoài ra, ông Hancock cho rằng việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cũng không cần thiết đối với trẻ em, do đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ở mức rất thấp.
Cố vấn về dịch bệnh cho rằng Ba Lan có thể cần áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc
Cũng trong ngày 10/11, trả lời phỏng vấn báo Rzeczpospolita, cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Ba Lan, Giáo sư Andrzej Horban, cho rằng nước này nên phong tỏa toàn quốc nếu số ca mắc bệnh theo ngày vượt 30.000 ca.
Giáo sư Horban nhấn mạnh thêm rằng khả năng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đối với các cơ sở y tế tại Ba Lan hiện đã chạm tới ngưỡng giới hạn. Do đó, chính phủ nước này quyết định xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến.
Trước đó cùng ngày, trả lời đài truyền hình TVN 24, người phát ngôn Chính phủ Ba Lan cho biết các biện pháp hạn chế sẽ không nghiêm ngặt như hồi dịch mùa Xuân năm nay, khi tất cả các cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, mẫu giáo, đều phải đóng cửa. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, chưa cần áp đặt các biện pháp này.
Ba Lan đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh, với số ca mắc bệnh theo ngày cao kỷ lục 27.875 trong ngày 7/11 vừa qua. Tuần trước, chính phủ nước này đã ban hành thêm các biện pháp giãn cách xã hội và cho rằng nếu số ca mắc bệnh tục tăng, những biện pháp nghiêm ngặt hơn có thể là điều cần thiết.
Thủ tướng Campuchia kêu gọi người dân thận trọng
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác trước diễn biến khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời khẳng định Chính phủ đủ khả năng kiểm soát tình hình.
Trong một thông điệp được ghi âm gửi người dân Campuchia tối 9/11, Thủ tướng Hun Sen cho biết trong số hơn 900 người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto ngày 3/11, có 4 người đã có kết quả dương tính với COVID-19.
Mặc dù khá nghiêm trọng nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Ông Hun Sen nhấn mạnh người dân, nhất là những người buôn bán ở chợ, vẫn tiếp tục kiếm sống như bình thường cả ở thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal.
Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia kêu gọi người dân cảnh giác cao với dịch COVID-19 bằng cách thực hiện các biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế.
Ông nhấn mạnh những người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto phải tự cách ly 14 ngày tại nhà một cách nghiêm túc để ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Nếu những người này không thể tự cách ly tại nhà một cách phù hợp, cơ quan chức năng sẽ đưa họ đến những trung tâm cách ly được Bộ Y tế bố trí.
Tính đến ngày 9/11, Campuchia đã xác nhận 300 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 288 ca đã bình phục và không có trường hợp tử vong.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội
Trong khi đó, Tổng thư ký Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Matthew Cheung cho biết sau khi xem xét tình hình dịch COVID-19 hiện nay, chính quyền đặc khu quyết định gia hạn thêm 7 ngày đối với các biện pháp giãn cách xã hội dự kiến hết hiệu lực vào ngày 12/11 tới.
Các biện pháp phòng dịch trên bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tụ tập quá 4 người. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, giải trí và thể thao sẽ chỉ được phép hoạt động khi đáp ứng các yêu cầu phòng dịch.
Theo ông Matthew Cheung, trong tháng 11 này, nhà chức trách sẽ áp dụng thêm 3 biện pháp để ngăn dịch bệnh lây lan. Trong đó sẽ triển khai ứng dụng "Leave Home Safe" để theo dõi tiếp xúc với các ca mắc COVID-19, cho phép những người Hong Kong trở về từ tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc đại lục và Đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) được miễn cách ly 14 ngày nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định, đồng thời thực hiện thỏa thuận mở lại cửa khẩu với Singapore.
Ông Matthew Cheung cũng cho biết trong tuần qua vẫn có nhiều ca mắc mới không rõ nguồn lây nhiễm và các ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng. Ông hối thúc người dân thận trọng để ngăn dịch bùng phát trở lại.
Theo Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong, tính đến ngày 9/11, Hong Kong ghi nhận 5.380 ca mắc và 107 ca tử vong./.