Nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan khiến các bệnh viện quá tải, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế, phong tỏa nghiêm ngặt.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Asakusa, Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Asakusa, Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan khiến các bệnh viện quá tải, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế, phong tỏa nghiêm ngặt.

Hệ thống y tế quá tải, 4,5 triệu người ở vùng England chờ được nhập viện

Cơ quan Y tế (NHS) của vùng England (Vương quốc Anh) cho biết 4,5 triệu người mắc các bệnh không nguy cấp tại vùng England đã nằm trong danh sách chờ nhập viện trong tháng 11/2020 và con số phải chờ tới hơn 1 năm đã tăng chóng mặt, cho thấy sức ép rất lớn của các bệnh viện trong thời kỳ khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo NHS vùng England, trong tháng 11, có tới 4,46 triệu bệnh nhân phải chờ được điều trị - một con số cao chưa từng thấy. Trong số những người đang chờ được khám bệnh có tới 192.169 bệnh nhân đã phải chờ đợi hơn 52 tuần. Con số này chỉ là 1.400 người cách đây một năm.

[Đức: Một cụ bà tử vong ngay sau khi tiêm vắcxin phòng COVID-19]

Người phụ trách y tế của NHS Stephen Powis cho biết: "Những con số này là sự nhắc nhở mạnh mẽ rằng NHS đang đối mặt với thách thức đặc biệt khắc nghiệt. Chúng ta còn hàng triệu người đang chờ được chăm sóc điều trị vì những căn bệnh không liên quan đến COVID-19."

Ông cũng nhấn mạnh rằng "chắc chắn các cơ sở y tế sẽ tiếp tục chịu sức ép lớn hơn nếu chưa thể kiểm soát được virus SARS-CoV-2."

Vùng England đã ban bố phong tỏa lần thứ hai từ ngày 5/11/2020. Lệnh phong tỏa lần ba ở mức độ giới hạn hơn đã bắt đầu từ tuần trước, sau khi giới chức y tế cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế quá tải. 

Số bệnh nhân tại Nhật Bản tử vong ở nhà cao hơn tại cơ sở y tế

Tại Nhật Bản, theo số liệu của Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA), số ca nhiễm mới đã bắt đầu vượt quá khả năng của các bệnh viện, cũng như các khách sạn được chỉ định là nơi cách ly cho những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Số bệnh nhân tử vong tự nhà đã bắt đầu cao hơn số tử vong tại các cơ sở y tế khi tình trạng sức khỏe của họ đột ngột xấu đi.

Từ ngày 14/1, tất cả người nước ngoài không thể nhập cảnh Nhật Bản kể cả vì lý do công việc trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp.

Cũng nhằm đối phó dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản đã mở rộng tình trạng khẩn cấp tới thêm 7 vùng, trong đó có Osaka và Kyoto. Quyết định có hiệu lực từ ngày 14/1 đến ngày 7.2.

Như vậy 11 trong số 47 vùng của Nhật Bản hiện trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19. Theo quy định này, tất cả nhà hàng, quán bar phải đóng cửa trước 20 giờ, đồng thời người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài.

Cùng ngày, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Nishimura Yasutoshi - phụ trách việc ứng phó COVID-19 và ông Shigeru Omi, người đứng đầu tiểu ban phòng, chống đại dịch của Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp nghiêm ngặt hơn và dài hơn nếu tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm sút.

Theo ông Shigeru Omi, nếu số ca nhiễm COVID-19 vẫn giữ nguyên hoặc chỉ giảm nhẹ, cần duy trì tình trạng khẩn cấp hiện nay và siết chặt hơn các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có thể đóng cửa các doanh nghiệp. Bộ trưởng Nishimura cho rằng việc áp đặt tình trạng khẩn cấp thêm các tỉnh sẽ phụ thuộc vào tình hình lây nhiễm. Tuy nhiên, hiện chính phủ chưa có kế hoạch áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. 

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Nhật Bản tiếp tục phải hoãn lại lễ khai trương công viên chủ đề "Super Mario" đầu tiên.

Ban đầu, công viên này dự kiến mở cửa đón khách vào tháng 7/2020, trước kỳ Olympic Tokyo, song do dịch bệnh, việc khai trương công viên đã phải hoãn lại sang ngày 4/2.

Sau khi chính phủ quyết định mở rộng danh sách các tỉnh phải áp đặt tình trạng khẩn cấp, trong đó có Osaka vào tuần này, các nhà điều hành đã quyết định hoãn khai trương công viên lần thứ 2, đồng thời gửi lời xin lỗi tới khách hàng. Thời gian mở cửa công viên sẽ được thông báo sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Với Lâu đài của Bowser ngoài đời thực và chuyến đi tương tác "Mario Kart" dự kiến công viên "Super Mario" sẽ thu hút lượng khách lớn tới tham quan.

Thủ đô Moskva của Nga mở cửa lại trường học

Ngày 14/1, thủ đô Moskva của Nga đã gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho đến ngày 21/1, ngoại trừ việc cho phép học sinh đi học trở lại.

Nhiều quốc gia áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 vào một bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga ngày 9/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin nêu rõ nhà chức trách đã phải rất khó khăn mới có thể đưa ra quyết định ngừng việc học trực tuyến tại các trường học. Theo ông, nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 vẫn cao và việc phát hiện 1 ca mắc COVID-19 cũng có thể khiến cả lớp học phải quay lại biện pháp học trực tuyến.

Các biện pháp hạn chế mà Moskva đang áp dụng trong đó có việc đóng cửa sớm thời gian hoạt động của các quán bar, nhà hàng, đeo khẩu trang trong các cửa hàng và phương tiện giao thông, cũng như hạn chế số nhân viên trong các văn phòng, sẽ kéo dài đến ngày 21/1.

Trong 24 giờ qua, Nga thông báo ghi nhận thêm 24.763 ca mắc COVID-19, trong đó riêng tại thủ đô Moksva là 5.893 người, đưa tổng số người mắc tại nước này lên 3.495.816.

Hiện Nga là nước có số ca nhiễm cao thứ 4 thế giới. Tổng số người tử vong do COVID-19 tại nước này hiện là 63.940 người. 

Liban bắt đầu ngày đầu tiên của đợt phong tỏa toàn quốc 

Cùng ngày, Liban đã bắt đầu ngày đầu tiên của đợt phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 11 ngày nhằm chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2. 

Liban đã quyết định siết chặt các biện pháp hạn chế dịch bệnh, trong đó có lệnh giới nghiêm 24 giờ cho đến ngày 25/1, sau khi một số bệnh viện ở nước này bắt đầu hết giường để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Theo các biện pháp mới, những người làm trong các lĩnh vực không thiết yếu sẽ không được ra khỏi nhà và các siêu thị sẽ chỉ phục vụ giao hàng. Các biện pháp này làm dấy lên quan ngại người nghèo có thể thiếu lương thực, đặc biệt là tại các vùng xa - nơi chưa có dịch vụ giao hàng.

Tính đến nay, Liban ghi nhận 231.936 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.740 người không qua khỏi.

Hàn Quốc tìm cách nới lỏng các hạn chế với doanh nghiệp nhỏ

Đảng Dân chủ cầm quyền (DP) và Chính phủ Hàn Quốc ngày 14/1 đã nhất trí tìm cách nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế đối với phòng tập thể dục, thể thao tư nhân và các cơ sở kinh doanh trong nhà nhằm khống chế sự lây lan của làn sóng lây nhiễm mới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu sau cuộc họp, Hạ nghị sỹ Kim Sung-joo cho biết DP và giới chức y tế Hàn Quốc đều cho rằng các quy định giãn cách xã hội mới cần cho phép các doanh nghiệp nối lại một phần hoạt động.

Các quy định giãn cách xã hội cũng cần yêu cầu giới chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Hiện Hàn Quốc đang áp dụng quy định giãn cách xã hội ở mức 2,5 - tức là mức cao thứ 2 trong thang gồm 5 mức của nước này, tại khu vực thủ đô Seoul từ ngày 8/12/2020, và dự kiến kéo dài đến ngày 17/1 tới.

Trong bối cảnh phải kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội, đầu tháng này, Chính phủ Hàn Quốc cho phép các lớp múa ballet, lớp võ Taekwondo và các lớp giáo dục thể chất khác, ít hơn 10 người, mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các phòng tập thể thao, quán karaoke, các trường luyện thi vẫn phải đóng cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục