Nhiều nước trên thế giới siết chặt biện pháp chống dịch COVID-19

Na Uy sẽ áp đặt các hạn chế mới để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, trong khi Ai Cập bắt đầu áp dụng mức phạt 50 bảng Ai Cập với những người không đeo khẩu trang.
Nhiều nước trên thế giới siết chặt biện pháp chống dịch COVID-19 ảnh 1Tiêm vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel, ngày 31/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 3/1, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục siết chặt các biện pháp chống dịch, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng vọt.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết sẽ áp đặt các hạn chế mới để ngăn chặn sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, như lệnh cấm bán rượu trong nhà hàng và quán bar trên toàn quốc và người dân không được mời khách đến nhà.

Người dân Na Uy cũng phải dừng các tiếp xúc xã hội trong vòng 2 tuần tới. Các trường đại học sẽ đóng cửa đến 18/1.

Số ca mắc COVID-19 tại Na Uy đã gia tăng trong tháng qua và hiện trung bình 1 người bệnh lây nhiễm cho 1,3 người khác.

Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Solberg đánh giá có nhiều dấu hiệu hơn về một làn sóng lây nhiễm mới, do dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, cũng như sự xuất hiện của biến thể dễ lây lan hơn lần đầu tiên được xác định ở Anh.

Từ hôm 31/12, Oslo đã bắt buộc tất cả những người nhập cảnh Na Uy phải xét nghiệm ngay khi tới nước này hoặc trong vòng 24 giờ để ngăn chặn sự lây lan của biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh.

Các cửa khẩu biên giới nhỏ cũng bị đóng do không đủ khả năng lập trung tâm xét nghiệm. Quân đội cũng được tăng cường để kiểm soát khu vực biên giới với Phần Lan ở Bắc Cực.

[Dịch COVID-19: Anh tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục]

Trong khi đó, các bệnh viện ở Israel đang thiếu hụt nghiêm trọng cơ sở hạ tầng điều trị và đội ngũ y bác sỹ, do số lượng bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng mạnh những ngày gần đây.

Nguồn tin từ tập đoàn phát thanh truyền hình quốc gia KAN của Israel cho biết rất nhiều trung tâm y tế Israel đang phải tìm cách hoãn hủy từ 10-40% số ca phẫu thuật không khẩn cấp để chuyển phòng mổ thành phòng điều trị tạm thời cho bệnh nhân COVID-19.

Trong thư khẩn cấp đứng tên chung gửi đến Bộ Y tế Israel cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Petah Tikva và Phó Giám đốc Trung tâm y tế Sheba - bệnh viện lớn nhất ở Israel, đã bày tỏ qua ngại về làn sóng dịch thứ 3 hiện nay, được đánh giá nghiêm trọng hơn nhiều so với lần 2, do số bệnh nhân nặng tăng cao. Hai bệnh viện này kiến nghị chính phủ nên siết chặt hơn nữa lệnh phong tỏa.

Trước đó, cùng ngày, Bộ Y tế Israel cũng ra thông báo cho biết diễn biến dịch bệnh ở nước này đang trở nên tồi tệ hơn.

Hiện đã có 30 bệnh nhân được khẳng định chính thức bị nhiễm biến thể xuất hiện tại Anh, trong đó riêng ngày 3/1 đã có thêm 7 ca. Điều đáng quan ngại là những bệnh nhân này không phải trở về từ nước ngoài, mà là do lây nhiễm từ cộng đồng.

Hiện Israel đã bước sang tuần thứ 2 trong đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 nhằm khống chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong đợt phong tỏa lần này, các hoạt động kinh tế, xã hội vẫn được duy trì một phần.

Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein ngày 3/1 đã kêu gọi thực hiện phong tỏa triệt để trong 2 tuần, trong bối cảnh số bệnh nhân mắc mới ở Israel vẫn ở mức cao.

Nhiều nước trên thế giới siết chặt biện pháp chống dịch COVID-19 ảnh 2Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Còn tại Ai Cập, Bộ trưởng Y tế Hala Zayed ngày 3/1 thông báo chương trình chủng ngừa vắcxin COVID-19 ở nước này dự kiến sẽ được khởi động trong tuần thứ hai hoặc thứ ba của tháng 1, trong đó nhân viên y tế tuyến đầu, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và người cao tuổi sẽ là những đối tượng được ưu tiên.

Bà Zayed cho biết Ai Cập cũng đã chấp thuận việc đưa vào sử dụng khẩn cấp vắcxin Sinopharm (Trung Quốc), trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi đang tìm cách gia tăng nguồn cung vắcxin do số ca mắc COVID-19 liên tục tăng những ngày gần đây.

Ai Cập hiện cũng đang đàm phán để tiếp nhận 20 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech, đồng thời ký hợp đồng với Liên minh Toàn cầu về vắcxin (Gavi) để đặt trước 40 triệu liều vắcxin khác.

Ai Cập đã chính thức bước vào làn sóng COVID-19 thứ hai kể từ cuối tháng 12/2020. Tuy nhiên, không giống như giai đoạn đầu tiên hồi giữa năm ngoái, Ai Cập không áp dụng chính sách giới nghiêm một phần mà quyết định theo đuổi cách tiếp cận khác.

Cũng trong ngày 3/1, Ai Cập bắt đầu áp dụng mức phạt 50 bảng Ai Cập (3,2 USD) với những người không đeo khẩu trang ở địa điểm công cộng, đặc biệt tại ga tàu điện ngầm và bến xe buýt.

Trước đó, mức phạt được quy định hồi tháng 5/2020 là 4.000 bảng Ai Cập (256,4 USD), song không thực sự phát huy hiệu quả.

Đến nay, quốc gia Bắc Phi đã ghi nhận hơn 140.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có hơn 7.700 ca tử vong.

Nhiều quan chức y tế Ai Cập thừa nhận số trường hợp mắc COVID-19 trên thực tế ở nước này còn cao hơn số liệu thống kê do nhiều ca bệnh hiện điều trị tại nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục