Nhiều nước trên thế giới hiện đã cơ bản đẩy lui được đại dịch COVID-19 và đang tìm cách khởi động lại các hoạt động du lịch cho dù trên thực tế việc làm này không hề dễ dàng.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, đại dịch COVID-19 đã tàn phá ngành du lịch khi các nước phải đóng cửa biên giới, các chuyến bay bị ngừng lại và hàng tỷ người phải ngồi yên trong nhà. Dịch bệnh đã hoành hành ở tất cả các châu lục, từ Á, Âu sang Mỹ, và hiện giờ đang diễn biến rất phức tạp ở Mỹ Latin.
Tuy nhiên, sau khi một số nước đã qua đỉnh dịch và khống chế được sự lây lan của dịch bệnh, khi mùa hè đang tới gần ở phía Bắc bán cầu nơi nền kinh tế vốn dựa rất nhiều vào hoạt động du lịch, thì nhiều hãng lữ hành vẫn đang “ôm” một nỗi lo lớn: Đó là họ sẽ không gặt hái được gì trong mùa cao điểm sắp tới. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp và nhiều nước đang khuyến khích người dân bắt đầu đi du lịch trở lại, nhưng vẫn phải giữ thái độ thận trọng cần thiết.
[EU đề xuất cách tiếp cận 3 giai đoạn để giải cứu ngành du lịch]
Trong một bài viết đăng trên tờ New York Times, nhiều hoạt động kích cầu du lịch đang dần được đẩy mạnh. Hãng hàng không Emirates cho biết sẽ sắp lại lịch bay với số lượng khách hạn chế tới 9 điểm đến, trong đó có London và Frankfurt, kể từ ngày 21/5. Áo và Đức cũng đã quyết định mở lại 3 cửa khẩu chung từ ngày 13/5, tức chỉ một ngày sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí về các biện pháp khôi phục di chuyển tự do giữa hai bên.
Trong khi đó, một số nước ở vùng Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania cho phép người dân đi lại trong nhóm với nhau. Còn ở châu Đại dương, Australia và New Zealand cũng đồng ý cho người dân du lịch qua lại giữa hai nước.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 13/5 cũng đề xuất những nước có cùng mức độ dịch trong Liên minh châu Âu (EU) nên mở cửa cho nhau, để từ đó dần tiến tới việc khôi phục lại việc di chuyển tự do trong toàn bộ 27 nước thành viên.
Hiện ngành du lịch đóng góp 10% doanh thu cho nền kinh tế của các nước EU. Trong số các nước EU, Iceland có mức độ phụ thuộc vào du lịch nhiều nhất. Nước này dự kiến sẽ thông biên trở lại vào ngày 15/6, nhưng khách du lịch quốc tế sẽ phải tự trả tiền xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh và phải tuân thủ quy định cách ly 14 ngày.
Về phía các doanh nghiệp lữ hành, TUI – công ty du lịch lớn nhất thế giới có trụ sở tại Hanover (Đức) - cho biết sẽ cắt giảm 8.000 việc làm, tương đương 10% tổng số nhân viên của hãng. Tuy nhiên, TUI sẽ sớm cho mở lại một phần trong tổng số 400 khách sạn và khu nghỉ dưỡng của mình trong những ngày tới.
Theo tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới nhiều khả năng sẽ phải sống chung với virus SARS-CoV-2 cũng giống như với HIV và các loại bệnh thông thường khác trong cộng đồng. Những người đã nhiễm COVID-19 sẽ có kháng thể và khi càng có nhiều người nhiễm bệnh thì khả năng miễn dịch cộng đồng càng cao.
Cũng theo tiến sỹ Mike Ryan, các nước không nên quá trông chờ vào việc vắcxin có thể giải quyết được triệt để virus SARS-CoV-2 và cho tới nay bệnh duy nhất mà con người xóa bỏ được hoàn toàn trên thế giới là bênh đậu mùa./.