Nhiều nước thừa nhận mối đe dọa của các cuộc tấn công mã độc

Tổng thống Joe Biden đã nâng phản ứng đối với vấn đề an ninh mạng lên các cấp cao nhất sau một loạt cuộc tấn công trong năm nay đe dọa làm mất ổn định nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm của Mỹ.
Chi nhánh tập đoàn chế biến thịt hàng đầu thế giới JBS tại Mỹ đã phải nộp 11 triệu USD tiền chuộc cho tin tặc sau vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền vào cuối tháng 5 vừa qua. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chi nhánh tập đoàn chế biến thịt hàng đầu thế giới JBS tại Mỹ đã phải nộp 11 triệu USD tiền chuộc cho tin tặc sau vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền vào cuối tháng 5 vừa qua. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/10, Mỹ đã chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm kêu gọi các nước chiến đấu chống mã độc tống tiền (gọi là ransomware) cũng như các loại tội phạm trên không gian mạng khác.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Cơ quan An ninh mạng quốc gia Israel Yigal Unna nhấn mạnh: “Tôi có thể tiết lộ rằng Israel đã hứng chịu một cuộc tấn công lớn bằng mã độc tống tiền nhằm vào một trong những bệnh viện lớn của Israel.”

Trong khi đó, Đức cho biết mùa Hè này, chính quyền vùng Anhalt-Bitterfeld thuộc bang Sachsen-Anhalt đã trở thành khu vực đầu tiên ở nước này phải ban bố tình trạng thảm họa về an ninh mạng sau khi các máy chủ bị tin tặc tấn công khiến toàn bộ hệ thống quản lý hành chính của địa phương này bị gián đoạn, mọi dịch vụ xã hội cho cư dân địa phương bị đình trệ.

Mỹ cũng đã chứng kiến một loạt vụ tấn công bằng mã độc ransomware, đặc biệt là trong nửa đầu năm nay, trong đó những kẻ tống tiền mạng chiếm đoạt dữ liệu hoặc mạng kết nối nhằm đổi lấy các khoản thanh toán bằng tiền điện tử.

Theo bà Anne Neuberger, cố vấn an ninh mạng thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, số vụ tấn công bằng mã độc đã tăng 70%/năm ở Hàn Quốc và tăng 200%/năm ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Tin tặc cũng thực hiện tấn công bằng mã độc nhằm vào các bệnh viện ở Ireland và Cộng hòa Séc, làm rối loạn nghiêm trọng cơ sở hạ tầng hàng hải ở Nam Phi...

Trong khi đó, cố vấn an ninh của Nhà Trắng Jake Sullivan nêu rõ: "Không một quốc gia, một tổ chức nào có thể giải quyết vấn đề này. Các chính phủ sẽ có nhiều cách tiếp cận bằng các biện pháp chống lại mã độc tống tiền, song chúng tôi thừa nhận tính cấp thiết của mối đe dọa từ các vụ tấn công này."

Tham dự hội nghị có các nước Anh, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Israel, Kenya, Mexico cùng nhiều quốc gia khác.

[Proofpoint: Một nửa các công ty bị tấn công mã độc trả tiền chuộc]

Tổng thống Joe Biden đã nâng phản ứng đối với vấn đề an ninh mạng lên các cấp cao nhất của chính quyền sau một loạt cuộc tấn công trong năm nay đe dọa làm mất ổn định nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm của Mỹ.

Hội nghị sẽ kéo dài đến ngày 14/10.

Đầu tháng Bảy vừa qua, tin tặc đã tiến hành vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền nhằm vào Kaseya, một công ty công nghệ thông tin của Mỹ.

Kaseya có trụ sở tại Miami, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho khoảng 40.000 doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó các công ty này lại có vô số khách hàng khác.

Vụ tấn công nhằm vào Kaseya ảnh hưởng tới khoảng 800-1.500 doanh nghiệp trên khắp thế giới.

Tin tặc đã tuồn mã độc vào phần mềm VSA - công cụ cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ kiểm soát mạng lưới máy tính và máy in từ xa, cũng như tự động thực hiện các bản cập nhật bảo mật và bảo trì máy chủ định kỳ - và yêu cầu khoản tiền chuộc 70 triệu USD để khôi phục tất cả dữ liệu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục