Nhiều nước tăng cường hỗ trợ nền kinh tế do dịch COVID-19

Ngân hàng Trung ương UAE cho biết gói tài chính trị giá 27 tỷ USD sẽ giúp các ngân hàng và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Ngân hàng trung ương Oman. (Nguồn: timesofoman)

Ngân hàng Trung ương Oman đang chuẩn bị cung cấp thêm khoảng 8 tỷ rial (khoảng 20,8 tỷ USD) cho các ngân hàng trong nước, như một phần trong các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực vùng Vịnh và trên thế giới.

Ngân hàng Trung ương Oman yêu cầu các ngân hàng cắt giảm biểu phí dịch vụ, điều chỉnh tỷ lệ vốn và tín dụng đồng thời cho phép hoãn thanh toán lên tới 6 tháng, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngân hàng này cũng yêu cầu tăng cường nguồn tín dụng cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19; trong đó có y tế, lữ hành và du lịch.

Trước đó, ngày 14/3 vừa qua, một quốc gia khác ở vùng Vịnh là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã công bố gói tài chính trị giá 27 tỷ USD nhằm ứng phó với các tác động kinh tế của dịch COVID-19, đồng thời thông báo đóng cửa các điểm du lịch và văn hóa lớn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực đối với các lĩnh vực quan trọng như du lịch và vận tải, Ngân hàng Trung ương UAE cho biết gói tài chính trị giá 27 tỷ USD sẽ giúp các ngân hàng và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Văn phòng Truyền thông của chính quyền Abu Dhabi thông báo thành phố này đóng cửa các điểm du lịch và văn hóa lớn; trong đó có Bảo tàng Louvre Abu Dhabi và công viên giải trí Ferrari World từ ngày 15-31/3 tới, trong bối cảnh các nước Arab tại vùng Vịnh tăng cường các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Saudi Arabia và Kuwait cũng đã có những hành động quyết liệt nhất với việc dừng tất cả các chuyến bay quốc tế.

[Saudi Arabia sẵn sàng chi 13 tỷ USD để cứu các doanh nghiệp] 

Cụ thể, Saudi Arabia tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế trong vòng 2 tuần kể từ ngày 15/3 vừa qua, còn Kuwait chưa thông báo cụ thể thời gian phong tỏa vốn bắt đầu từ ngày 14/3 vừa qua.

Hàn Quốc sẽ bơm thêm nguồn USD để giảm áp lực với nền kinh tế

Hàn Quốc ngày 18/3 cho biết sẽ “bơm” thêm nguồn USD vào hệ thống ngân hàng của nước này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp có đủ vốn vay, trước những lo ngại về tác động kinh tế ngày càng gia tăng trên toàn cầu của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã công bố những biện pháp được kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn cung USD trên thị trường thêm 5 tỷ USD lên 10 tỷ USD, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây ra tình trạng hỗn loạn trên các thị trường tài chính toàn cầu.

Giới chức Hàn Quốc sẽ nâng mức giới hạn lượng dự trữ ngoại hối kỳ hạn cho các ngân hàng trong nước từ 40% hiện tại lên mức 50% vốn chủ sử hữu bắt đầu từ ngày 19/3. Đối với các ngân hàng nước ngoài, mức trần này sẽ được nâng từ 200% lên 250%.

Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp trong những ngày gần đây, bao gồm quyết định hạ lãi suất khẩn cấp và một ngân sách bổ sung trị giá 11.700 tỷ won (khoảng 9,43 tỷ USD), trong nỗ lực nhằm giảm áp lực đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này và giữ cho hệ thống tài chính vận hành bình thường.

Cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng, đồng thời làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Trong đó, hai “ông lớn” Samsung Electronics và Hyundai Motor đã đóng cửa tạm thời nhiều nhà máy sau khi có nhân viên dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bồ Đào Nha công bố gói cứu trợ 9,2 tỷ euro

Chính phủ Bồ Đào Nha ngày 18/3 công bố gói cứu trợ trị giá 9,2 tỷ euro để hỗ trợ các lao động và cung cấp thanh khoản cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Gói cứu trợ trên - tương đương 4,3% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Bồ Đào Nha - bao gồm các biện pháp tài khóa trị giá 5,2 tỷ euro nhằm hỗ trợ kinh tế trong nước, 3 tỷ euro bảo lãnh tín dụng của chính phủ và 1 tỷ euro liên quan các khoản chi trả an sinh xã hội.

Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Mario Centeno. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Mario Centeno cho biết “hiện là thời điểm để ứng phó với dịch COVID-19 song cũng cần duy trì các hoạt động của nền kinh tế trong nước.

Ông Centeno không đề cập cụ thể về tác động của dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó đối với nền kinh tế, song cho biết khoản chi ngoài dự kiến này tương đương 17,3% GDP/quý.

Điều này cũng có thể khiến kinh tế Bồ Đào Nha chệch lộ trình tăng trưởng kể từ năm 2014.

Tuy vậy, nền kinh tế phụ thuộc du lịch và hướng tới xuất khẩu của Bồ Đào Nha đang bắt đầu "ngấm đòn" do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, khi du khách hủy đặt phòng và lượng khách du lịch quốc tế giảm sút, giữa bối cảnh châu Âu tăng cường hạn chế đi lại do lo ngại về nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.

Hơn 50% trong số 3 tỷ euro tín dụng nói trên sẽ được dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng của Bồ Đào Nha, trong khi gần 50% còn lại dành cho các lĩnh vực như dệt may và gỗ.

Bên cạnh đó, theo ông Centeno, Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đang bàn thảo với Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha và Hiệp hội các ngân hàng Bồ Đào Nha về một lệnh hoãn tạm thời đối với các kế hoạch trả nợ, sẽ có hiệu lực vào cuối tháng Ba này.

Bộ trưởng Kinh tế Bồ Đào Nha Siza Vieira kêu gọi người lao động vững tin trước tình hình khó khăn hiện nay, trong khi Bộ trưởng Việc làm Bồ Đào Nha Ana Mendes Godinho ngày 16/3 vừa qua cho rằng chính phủ nước này sẽ phải dành 2 tỷ euro/tháng để hỗ trợ cho các bậc phụ huynh và người lao động ở nước này giảm thiểu các tác động của dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục