Nhiều nước ở châu Phi đối mặt với khủng hoảng lương thực trầm trọng

Các quốc gia Zimbabwe, Zambia và Malawi đã tuyên bố cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là tình trạng thảm họa, trong khi Lesotho và Namibia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo.

Tình nguyện viên chia suất ăn cứu trợ cho người tị nạn. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tình nguyện viên chia suất ăn cứu trợ cho người tị nạn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khoảng 68 triệu người dân các nước ở miền Nam châu Phi đang chật vật ứng phó trước những ảnh hưởng nặng nề của hạn hán do hình thái khí hậu El Nino gây ra, đặc biệt là tình trạng phần lớn mùa màng bị "xóa sổ" đẩy người dân vào cảnh thiếu thốn lương thực và gây thiệt hại cho tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.

Các nhà lãnh đạo của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) đã đưa ra thông số trên, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở thủ đô Harare của Zimbabwe ngày 17/8.

Phát biểu tại sự kiện này, Tổng Thư ký SADC, ông Elias Magosi cho biết phần lớn các nước ở miền Nam châu Phi đều đang chịu tác động của hình thái El Nino, với mùa mưa đến muộn hơn so với mọi năm trước.

Hạn hán bắt đầu từ đầu năm 2024 với mức độ tồi tệ nhất trong nhiều năm qua đã làm sụt giảm năng suất, sản lượng của cây trồng và vật nuôi, đẩy khoảng 68 triệu người, tương đương khoảng 17% dân số các nước miền Nam châu lục vào tình cảnh thiếu thốn lương thực.

Các quốc gia bao gồm Zimbabwe, Zambia và Malawi đã tuyên bố cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay là tình trạng thảm họa, trong khi Lesotho và Namibia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo.

Hồi tháng 5 vừa qua, lãnh đạo các nước thành viên SADC đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước thành viên cùng với lĩnh vực tư nhân và các cá nhân huy động nguồn lực ban đầu ít nhất là 5,5 tỷ USD để hỗ trợ các chính phủ trong khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán nghiêm trọng do El Nino gây ra.

Tuy nhiên, Chủ tịch luân phiên SADC, đồng thời là Tổng thống Angola, ông Joao Lourenco cho biết vẫn chưa huy động đủ số tiền này.

Ngoài tình hình hạn hán nói trên, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 44 này còn tập trung thảo luận những vấn đề khác chẳng hạn như tình hình an ninh ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn.

Có trụ sở ở Botswana, SADC hiện bao gồm 16 thành viên, với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa hợp tác, hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội giữa các nước ở khu vực phía Nam châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục