Nhiều nước Liên minh châu Âu bất đồng về vấn đề nhập cư

Thủ tướng Anh Cameron chọn cách bi kịch hóa vấn đề nhập cư, trong khi Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi người dân nước này coi nhập cư là một nguồn lợi về kinh tế và văn hóa.
Thủ tướng Anh Cameron (trái), Tổng thống Pháp Hollande (giữa), Thủ tướng Đức Merkel. (Nguồn: Reuters)

Con đường cải cách chính sách nhập cư trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn nhiều chông gai khi trong vòng chưa đầy ba tuần qua, lãnh đạo các nước lớn trong tổ chức này đã đưa ra những lập trường hoàn toàn trái ngược nhau về vấn đề này.

Thủ tướng Anh David Cameron chọn cách bi kịch hóa vấn đề nhập cư, coi đó là một mục tiêu cần được thống nhất lập trường trước khi Anh tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của nước này trong EU, dự kiến vào năm 2017.

Ông Cameron đề nghị EU thay đổi Hiệp ước sáng lập tổ chức này, vốn bảo vệ quyền tự do di chuyển nội khối về người, hàng hóa và dòng vốn, để có thể ngăn chặn người di cư tìm việc làm và những hành vi lạm dụng phúc lợi xã hội. Ông tuyên bố sẽ thương lượng để giảm lượng người di cư trong EU và biến cải cách phúc lợi thành một yêu cầu bắt buộc trong tiến trình đàm phán lại về tư cách thành viên của Anh trong EU.

Trái với lập trường của ông Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi người dân nước này coi nhập cư là một nguồn lợi về kinh tế và văn hóa. Ông còn kêu gọi người dân không tin vào những lập luận cho rằng nước Pháp đang đánh mất đặc tính thế tục vì sự có mặt đông đảo của người Hồi giáo ở nước này.

Ông Hollande khẳng định những người mới di cư sang Pháp có quyền sống tại đây vì hầu hết họ là vợ (chồng) hoặc con cái của những người đang cư trú ở Pháp hoặc đang tị nạn hợp pháp trong thời gian tìm nơi cư trú.

Trước làn sóng biểu tình bài ngoại và phản đối người nhập cư Hồi giáo ở Đức, Thủ tướng nước này Angela Merkel kêu gọi người dân chống nạn phân biệt chủng tộc; đồng thời nhấn mạnh nước Đức cần người di cư để hỗ trợ việc đối phó tình trạng dân số giảm. Bà Merken khẳng định ở Đức không có chỗ cho hành động kích động hoặc sỉ nhục người nước ngoài.

Đức đang đứng đầu EU về tiếp nhận người nhập cư. Từ đầu năm đến nay, Đức đã nhận hơn 180.000 đơn xin tị nạn. Số người nhập cư vào Đức tăng nhanh trong thời gian qua, nhất là khi xung đột leo thang tại Iraq và Syria. Năm 2008, Đức tiếp nhận 28.000 người nhập cư, đến năm 2012 con số này tăng lên 77.000 người và đến năm ngoái đã lên tới 127.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục