Ngày 15/7, Bộ trưởng Tài chính Indoneisa Sri Mulyani Indrawati đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có hành động cụ thể để đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực đang ngày càng trầm trọng và cuộc khủng hoảng nguồn cung phân bón.
Lời kêu gọi trên được đưa ra cuộc họp của các bộ trưởng G20 kéo dài 2 ngày (15-16/7) tại Bali (Indonesia).
Theo Bộ trưởng Mulyani, thế giới đang phải đối mặt với nạn đói toàn cầu đáng báo động do chiến tranh, các hạn chế xuất khẩu và tác động kéo dài của dịch bệnh. Nguy cơ xảy ra khủng hoảng nguồn cung phân bón có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực thậm chí đến năm 2023 và lâu hơn nữa.
Cũng đưa ra lời kêu gọi cùng hành động khẩn cấp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng các nước nên đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính nhằm giúp những người dân đang gặp khó khăn nhất, hơn là thực hiện chính sách trợ cấp tốn kém và không hiệu quả.
Bà Yellen đồng thời kêu gọi các nước G20 củng cố ngân sách chi tiêu nhằm giải quyết những thách thức về an ninh lương thực hiện nay liên quan đến xung đột, biến đổi khí hậu và cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, những hộ gia đình nghèo tại các quốc gia nghèo nhất là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dẫn tới hạn chế phát triển và xói mòn các nỗ lực xóa đói nghèo.
[EU kêu gọi viện trợ cho nước bị ảnh hưởng khủng hoảng lương thực]
Bà nhấn mạnh các nước cần hành động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực ngắn hạn, và quan trọng hơn là những yếu tố dài hạn gây mất an ninh lương thực, trong đó có tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nước G20 cần tận dụng nguồn lương thực và nông nghiệp hiện có để thực hiện mục tiêu này, đồng thời việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện này cũng cần có sự đóng góp và hỗ trợ của các tổ chức tài chính đa phương, Chương trình Nông nghiệp và An ninh lương thực toàn cầu (GAFSP).
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al-Jadaan cho rằng các quốc gia G20 cần thiết lập cơ chế hỗ trợ để phân bổ phân bón cho nông dân, thúc đẩy các kênh kết nối cung và cầu.
Trước cuộc họp của G20 tại Bali, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố một báo cáo nhan đề "Lưu ý giám sát G20", trong đó cảnh báo "triển vọng kinh tế toàn cầu đã tối đi đáng kể, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao".
Tháng 4 vừa qua, IMF đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,6% năm 2022 và 2023, phản ánh tác động tiêu cực của xung đột tại Ukraine và việc kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát COVID-19 hiện nay./.