Nhiều nước EU kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ

EU có quan điểm thống nhất về cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như xem xét các biện pháp trừng phạt khác đối với Ankara liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này.
Khói bốc lên sau cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các tay súng người Kurd tại Đông Bắc Syria ở thành phố Ras al-Ain (Syria) ngày 12/10/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngoại trưởng hàng loạt nước châu Âu đã bày tỏ lo ngại và kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ khi thương vong tiếp tục gia tăng trong chiến dịch tấn công của Ankara vào lực lượng người Kurd tại khu vực Đông Bắc Syria.

Tại cuộc họp cấp Ngoại trưởng của Hội đồng châu Âu ngày 14/10 tại Luxembourg, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng EU nên lo ngại về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria vì nó có thể làm bất ổn tình hình tại đất nước Trung Đông, song ông nhấn mạnh EU cần duy trì đối thoại với Ankara để giữ được khả năng ảnh hưởng đến nước này.

Trong khi đó người đồng cấp Áo, Pháp, Bỉ, Thụy Điển cho biết EU có quan điểm thống nhất về cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như xem xét các biện pháp trừng phạt khác đối với Ankara liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này.

Ngoại trưởng Hà Lan, Ireland, Latvia cũng ủng hộ ý kiến trên khi cho rằng liên minh cần đạt đồng thuận về biện pháp này.

[NATO bảo vệ lập trường về chiến dịch tấn công Syria của Thổ Nhĩ Kỳ]

Về phần mình, Ngoại trưởng Áo Aleksander Schellenberg cho biết Áo vẫn giữ quan điểm "đóng băng" tiến trình xem xét kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, đồng thời kêu gọi EU không được "mắc mưu" lời đe dọa của Ankara sẽ mở cửa biên giới cho dòng người di cư vào châu Âu.

Ngoại trưởng Thụy Điển cho biết chính vì lời đe dọa đó mà không phải tất cả các nước thành viên EU đều ủng hộ lệnh cấm vận vũ khí này.

Tuy nhiên, bà cho rằng EU có thể thành lập nhóm làm việc để xem xét nhanh các biện pháp trừng phạt nếu có.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell cảnh báo EU không có "quyền lực thần thánh" mà chỉ có thể nỗ lực gây sức ép hết sức để chấm dứt chiến dịch quân sự của Ankara.

Trong lúc này, Nga - nước có quan hệ chặt chẽ với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cho biết Moskva và Ankara duy trì tiếp xúc thường xuyên liên quan đến chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria.

Người phát ngôn của tổng thống Nga, Dmitry Peskov cho biết các tiếp xúc được thực hiện ở cấp chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng và quan chức quân sự.

Ông Peskov cũng cho biết hai bên còn đạt một số thỏa thuận, song không cho biết chi tiết.

Ông Peskov cũng loại trừ kịch bản Nga có thể bị lôi kéo vào xung đột quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi các bên tại Syria phải tránh bất kỳ động thái nào có thể làm leo thang tình hình và đổ vỡ tiến trình hòa bình tại đất nước Trung Đông.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành từ ngày 9/10, với cuộc không kích nhằm vào thị trấn Ras al-Ain của Syria.

Ngay sau đó, các hoạt động tấn công trên bộ cũng được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai.

Chiến dịch này là một phần trong mục tiêu dài hạn của Ankara nhằm xóa bỏ sự hiện diện của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng người Kurd ở Syria, tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.

Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 26 dân thường thiệt mạng trong ngày 13/10 ở Đông Bắc Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh tấn công vào lực lượng người Kurd, trong đó 10 người thiệt mạng trong một cuộc không kích nhằm vào một đoàn xe chở dân thường và nhà báo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục