Năm quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) bao gồm Bồ Đào Nha, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Italy đã kêu gọi các nước cùng hợp tác phát triển một ứng dụng kỹ thuật số chung để có thể theo sát tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong một tuyên bố chung đưa ra ngày 26/5, giới chức hàng đầu về vấn đề kỹ thuật số của 5 nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ du lịch nêu trên nhấn mạnh rằng dịch bệnh COVID-19 hiện đang đặt ra nguy cơ lớn đối với hai trong số những thành tựu lớn nhất của EU, đó là tự do lưu thông hàng hóa và tự do đi lại của người dân. Ngoài ra, EU cũng đang phải đối mặt "thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập liên minh" do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra.
Tuyên bố chung nêu rõ: "Đại dịch này và hậu quả kinh tế của nó không dừng lại ở biên giới giữa các quốc gia. Không một quốc gia thành viên nào có thể đơn phương chống đỡ và điều này đặc biệt đúng trong nền kinh tế kỹ thuật số."
Theo các nước trên, việc thiết lập lại đời sống bình thường ở EU, phục hồi nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của người dân giữa các nước "đòi hỏi một nỗ lực chung của châu Âu" và "các ứng dụng kỹ thuật số cho phép chúng ta liên tục kết nối ở châu Âu bất chấp khoảng cách vật lý", đồng thời "có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng này."
[WHO sẽ ra mắt ứng dụng COVID-19 cho các nước có nguồn lực hạn chế]
Tuyên bố chung nhấn mạnh: "Như một biện pháp tổng hòa đầy đủ, các công cụ kỹ thuật số là một phần của chiến lược toàn diện chống lại chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nhưng trách nhiệm của chúng ta là làm cho công cụ này sẵn có tại mỗi nước để phục vụ công tác chống đại dịch."
Theo đó, thách thức hiện tại là "phát triển các giải pháp kỹ thuật hiệu quả vượt ra khỏi biên giới của mỗi nước thành viên, có tính đến đặc thù quốc gia."
Theo tuyên bố chung, "những giải pháp kỹ thuật này phải được phát triển phù hợp với luật pháp mỗi nước nói riêng và của toàn châu Âu về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu nói chung, trong khi vẫn tôn trọng các nguyên tắc và giá trị của châu Âu."
Giới chức 5 nước trên khẳng định: "Chúng tôi cam kết phát triển các ứng dụng thành viên tạm thời một cách tự nguyện, đảm bảo quyền riêng tư và được phát triển trong nguồn mở". Các nước nhất trí rằng các quốc gia thành viên có quyền lựa chọn các cấu trúc công nghệ phù hợp nhất cho bối cảnh cụ thể của họ và cho các hệ thống y tế quốc gia của họ, "cam kết nỗ lực chung để đạt được mức độ tương tác xuyên biên giới cần thiết của các ứng dụng theo dõi và để tiếp tục duy trì hợp tác ở cấp độ châu Âu"./.