Ngày 17/3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với Bộ Y tế về triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết sau thành công của đề tài nghiên cứu sản xuất bộ sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (bộ kit) do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới phát triển được các bộ kit xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.
Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt hàng Việt Nam sản xuất bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2.
Việt Nam hiện có khả năng sản xuất được hàng chục nghìn bộ test/ngày với mức giá khoảng 500.000 đồng cho một lần xét nghiệm, trong đó đã bao gồm các vật tư, thiết bị đi kèm.
Nhờ vậy, trong trường hợp xấu khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự chủ động cung ứng nguồn kit xét nghiệm. Thành công này có những đóng góp rất lớn của các nhà khoa học Việt Nam trong việc đối phó với dịch COVID-19 và đặc biệt có giá trị trong công tác kiểm soát dịch bệnh.
Trong số các khách hàng của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (đơn vị sản xuất kít thử), thành phố Hà Nội đã đặt mua 200.000 test (tương đương 4.000 bộ kit) để sử dụng tại chỗ và dành tặng cho các bệnh viện ở Italy - một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu hiện nay.
Đáng chú ý, không chỉ Học viện Quân y, các nhà khoa học khác của Việt Nam cũng đang tiếp tục phát triển nhiều bộ kit thử nhằm xét nghiệm SARS-CoV-2.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết sẽ báo cáo Bộ Y tế về kết quả phát triển nhiều bộ kit thử, đồng thời chỉ đạo Viện Công nghệ sinh học trong việc sản xuất số lượng lớn các kit phát hiện, quy trình sử dụng kit hoặc tham gia xét nghiệm khi có yêu cầu.
[5 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất 10 nghìn bộ kit phát hiện nhanh SARS-CoV-2]
Trước đó, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng công bố chế tạo thành công bộ kít phát hiện virus SARS-CoV-2.
Ngoài 2 bộ kit trên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết cũng đang tiến hành đánh giá một bộ kít đẳng nhiệt do Đại học Bách khoa phát triển.
Khác với các bộ kit trước đó, bộ kit đẳng nhiệt của Đại học Bách Khoa không cần đến các máy Real-time PCR, thay vào đó, sử dụng các block nhiệt hết sức đơn giản với giá thành chưa đến 2 triệu đồng. Điều này có thể hỗ trợ rất lớn về chi phí, nguồn lực, nhân lực cho công tác xét nghiệm.
Hiện, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang hỗ trợ Đại học Bách Khoa đánh giá và cung cấp các bằng chứng khoa học để nhóm nghiên cứu có thể hoàn thiện kết quả nghiên cứu./.