Ngày 10/6, Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Điển và Vương quốc Anh đã ra tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ dành cho Quốc hội Moldova trong bối cảnh nước này đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Nội dung tuyên bố chung của các quốc gia nêu rõ Quốc hội Moldova là cơ quan đại diện cho người dân và là nơi "thích hợp nhất để thảo luận tất cả các vấn đề chính trị."
Cùng thống nhất với lập trường chung của Liên minh châu Âu (EU), tuyên bố chung của 5 nước trên cũng kêu gọi các bên tại Moldova "bình tĩnh và kiềm chế" và có trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng hiến pháp này bằng các biện pháp hòa bình.
Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã kêu gọi các bên tại Moldova "bình tĩnh và kiềm chế."
[Moldova đang lâm vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng]
Phóng viên TTXVN tại Trung Âu dẫn thông cáo của NATO cho biết khối này tái khẳng định ủng hộ CH Moldova cải cách các tổ chức quốc phòng và an ninh, đồng thời bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này.
Tuyên bố của NATO kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tại Moldova bình tĩnh và kiềm chế, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và tôn trọng luật pháp.
Moldova đã chìm vào bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử quốc hội tổ chức hồi cuối tháng 2, khi không có chính đảng nào giành đa số ghế để lập chính phủ.
Sau nhiều tháng thương lượng, hôm 8/6, đảng Xã hội chủ nghĩa Moldova, với đường lối ủng hộ quan hệ chặt chẽ với Nga và Liên minh đối lập cánh hữu ASUM ủng hộ gia nhập EU, đã nhất trí thành lập chính phủ liên minh và được Quốc hội Moldova thông qua.
Động thái này được cho sẽ mở đường giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, song đảng Dân chủ, lực lượng lớn thứ hai trong quốc hội Moldova, đã đề nghị Tòa án Hiến pháp đình chỉ chức vụ của Tổng thống Igor Dodon.
Sáng 9/6, Tòa án Hiến pháp đã đình chỉ chức vụ của Tổng thống Dodon và chỉ định ông Pavel Filip làm Tổng thống lâm thời.
Theo sau quyết dịnh này, ông Pavel Filip đã ký sắc lệnh giải tán quốc hội và ấn định tổ chức bầu cử sớm vào ngày 6/9 tới.
Tuy nhiên, Quốc hội Moldova đã thông qua tuyên bố coi chính phủ do ông Filip đứng đầu là "không hợp hiến," cho rằng đảng Dân chủ đã có hành động "tiếm quyền" và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét vấn đề này./.