Nhiều nước châu Âu nối lại hoạt động hàng không

Các bộ trưởng giao thông EU đã nhất trí nới lỏng lệnh cấm hoặc hạn chế bay trước đó, nhiều chuyến bay đến châu Âu sẽ được nối lại.
Các bộ trưởng giao thông Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí nới lỏng lệnh cấm hoặc hạn chế bay, được áp dụng từ ngày 15/4 sau khi những đám mây tro bụi phát ra từ núi lửa đang hoạt động ở Iceland bao phủ bầu trời châu Âu.

Quyết định này phần nào giải tỏa tâm lý căng thẳng của những hành khách đang phải "ăn đợi nằm chờ" ở khắp các sân bay trên thế giới.

Ủy viên EU phụ trách vấn đề vận tải Siim Kallas cho biết bắt đầu từ sáng 20/4, nhiều chuyến bay đến châu Âu sẽ được nối lại. Cơ quan kiểm soát giao thông hàng không châu Âu (Eurocontrol) dự đoán các chuyến bay trên toàn châu lục có thể hoạt động bình thường trở lại từ ngày 22/4 tới.

Tại sân bay F.Kennedy ở New York (Mỹ), hành khách đến Paris (Pháp), Frankfurk (Đức), Mátxcơva (Nga) và Rome (Italy) đã bắt đầu làm thủ tục hải quan từ ngày 19/4.

Ba chuyến bay chở khách của hãng hàng không Air France-KLM hành trình từ sân bay Schipol ở Amsterdam (Hà Lan) đến Thượng Hải (Trung Quốc), Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất) và New York (Mỹ) đã cất cánh từ ngày 19/4.

Các sân bay ở Pháp đã mở cửa trở lại với các chuyến bay xuất phát từ Paris được nối lại vào sáng 20/4. Đức vẫn kéo dài lệnh cấm bay đến 12 giờ GMT (19 giờ theo giờ Việt Nam), nhưng một số chuyến bay được hoạt động theo giấy phép đặc biệt.

Giới chức Thụy Điển, Croatia, Hungary và Séc đã thông báo nối lại các chuyến bay, trong khi Romania, Bulgaria và Thụy Sĩ cũng thông báo mở cửa không phận trở lại.

Tại Anh, kế hoạch mở cửa không phận Scotland vẫn được xúc tiến, song hy vọng nối lại hoạt động hàng không ở các vùng còn lại đang mờ dần sau khi có tin nói núi lửa ở Iceland lại hoạt động mạnh lên, đẩy những đám tro bụi lớn trôi về phía Anh.

Thủ tướng Gordon Brown đã phải ra lệnh cho hai tàu sân bay của nước này đến chuyên chở hàng nghìn công dân Anh đang mắc kẹt ở Pháp về nước, và một tàu đến Tây Ban Nha hồi hương những binh lính Anh trở về từ Afghanistan.

Ông Brown cũng đã đề nghị Thủ tướng Tây Ban Nha cho phép sử dụng một trung tâm vận tải hàng không của nước này để vận chuyển những công dân Anh bị mắc kẹt ở ngoài châu Âu về nước.

Tây Ban Nha là nước duy nhất ở châu Âu không bị tác động bởi tro bụi từ núi lửa ở Iceland.

Theo thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), các công ty hàng không thiệt hại khoảng 200 triệu euro (270 triệu USD)/ngày. Riêng Air France-KLM thiệt hại 35 triệu euro/ngày, British Airway của Anh thiệt hại từ 17 đến 23 triệu euro/ngày.

Hoạt động núi lửa ở Iceland còn gây thiệt hại bất ngờ đối với Hy Lạp, với lãi suất trái phiếu của quốc gia nợ chồng chất này tiếp tục tăng cao, trong khi xuất hiện mối lo ngại cuộc họp ở Athens (Hy Lạp) giữa giới lãnh đạo Hy Lạp với các quan chức EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bàn về điều kiện kích hoạt cơ chế hỗ trợ nước này, có thể bị hủy bỏ.

Hoạt động của núi lửa cũng buộc một đoàn đại biểu Mỹ phải hủy chuyến công cán đến Mátxcơva, bỏ lỡ cơ hội "tháo ngòi" tranh cãi giữa Nga và Mỹ về vấn đề nhận con nuôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục