Trước chiều hướng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xấu đi tại châu Âu, các nước trong khu vực cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp và tăng cường các biện pháp phòng dịch phòng ngừa làn sóng dịch bệnh mới.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 1/10 cho biết ông sẽ đề xuất Quốc hội gia hạn tình trạng khẩn cấp, dự kiến hết hạn vào giữa tháng 10 này nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng tại các địa phương đưa ra quyết sách phòng dịch hiệu quả.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã gia hạn các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 tại nhiều khu vực ở xứ England, trong đó có thành phố Liverpool.
Trước đó, Anh đã bổ sung các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại các địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới tăng nhanh tại phía Đông Bắc England.
[Tây Ban Nha sắp phong tỏa thủ đô Madrid, Canada tiếp tục cấm nhập cảnh]
Theo số liệu tổng hợp hằng tuần từ chương trình xét nghiệm và truy vết dịch bệnh COVID-19 công bố ngày 1/10, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh tại England trong tuần từ 17-23/9 đã tăng 61% so với tuần trước đó, trong đó số bệnh nhân mắc COVID-19 ghi nhận được tăng gấp bốn lần so với con số vào cuối tháng Tám.
Thủ tướng Anh Boris John đã kêu gọi người dân nước này tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary cho biết nước này sẽ gia hạn lệnh đóng cửa biên giới nhằm ứng phó với dịch COVID-19 cho đến cuối tháng 10 này.
Hungary đã đóng cửa biên giới hoàn toàn, không đón người nước ngoài tới nước này từ ngày 1/9, song đồng ý tiếp nhận công dân về nước song phải thực hiện cách ly. Tính đến ngày 1/10, nước này ghi nhận tổng cộng 27.309 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 781 ca tử vong do COVID-19, tuy nhiên, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh trong vài tuần gần đây.
Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này ngày 1/10 đã ban hành sắc lệnh gia hạn các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại khu vực thủ đô Madrid, bao gồm lệnh phong tỏa một phần sẽ có hiệu lực trong 48 giờ tới.
Hiện thủ đô Madrid là địa phương duy nhất ở Tây Ban Nga có tỷ lệ lây nhiễm cao, 780 ca/100.000 người, trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở các khu vực khác của nước này là 300 ca/100.000 người.
Tây Ban Nha hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong các nước thành viên Liên minh châu Âu và nước này đang ứng phó với làn sóng thứ hai của dịch bệnh COVID-19 với hơn 760.000 ca nhiễm, bao gồm 31.000 ca tử vong./.