Báo chí Đức ngày 7/10 đưa tin đã có ít nhất 3 nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin tị nạn ở Đức sau vụ đảo chính bất thành ở nước này trung tuần tháng 7 vừa qua.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Berlin và Ankara vẫn chưa hết căng thẳng liên quan tới việc Quốc hội Đức thông qua dự luật gọi vụ thảm sát người Armenia là tội diệt chủng.
Báo Nam Đức (SZ) và một số đài truyền hình nước này cho biết các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin tị nạn ở Đức sau khi Ankara vô hiệu hóa hàng trăm cuốn hộ chiếu ngoại giao liên quan vụ binh biến ở nước này.
Tại Đức có 8 nhà ngoại giao bị vô hiệu giấy thông hành do bị cáo buộc có quan hệ với tổ chức của giáo sĩ sống lưu vong Fethullah Gulen, nhân vật bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là đứng sau âm mưu đảo chính.
Trong số này có ít nhất 3 trường hợp nộp đơn xin tị nạn ở Đức, trong đó có tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Berlin. Truyền thông Đức thậm chí nêu danh người này là Đại tá Ayhan Dagli, tùy viên quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, người đã biến mất cùng vợ sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện Cục Di trú và người tị nạn Liên bang Đức (BAMF) vẫn chưa đưa ra quyết định gì về các trường hợp này, trong khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ được cho vẫn chưa lên tiếng về các trường hợp nhà ngoại giao đã bị vô hiệu hộ chiếu vẫn đang ở Đức.
Vài tuần sau vụ việc ở Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức nước này đã cách chức hoặc bắt giam hàng chục nghìn cảnh sát, sỹ quan quân đội, học giả, thẩm phán và nhiều đối tượng khác, trong khi nhiều nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài cũng không ngoại lệ.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa hoàn toàn lắng dịu.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức Hüseyin Avni Karsioglu sau một thời gian bị triệu hồi liên quan tới “dự luật diệt chủng” nêu trên cũng mới trở lại Berlin./.