Nhiều nhà đầu tư không mặn mà với cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng

Dù đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi nhưng thời gian qua việc kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng), dài 144km, vẫn khó khăn.
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 144km đã được quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Dù đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi nhưng thời gian qua việc kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc này vẫn khó khăn.

Điểm nghẽn giao thông

Nằm cách Hà Nội gần 300km, Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển về kinh tế-xã hội với nhiều danh lam thắng cảnh và có nhiều cửa khẩu thông thương kinh tế. Tuy vậy, bao năm qua kinh tế Cao Bằng vẫn rất khó khăn.

Mặc dù lãnh đạo tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư, nhưng do điểm nghẽn về hạ tầng giao thông nên nhiều nhà đầu tư cũng không mặn mà.

Hiện tại, để lên vùng đất Cao Bằng, không còn cách nào khác là phải đi đường bộ với hai tuyến đường bộ là Quốc lộ 3 (Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn-Cao Bằng) và Quốc lộ 4A (Hà Nội-Lạng Sơn-Cao Bằng) với thời gian di chuyển từ 7-8 tiếng bằng ôtô.

Hơn nữa, cả hai tuyến Quốc lộ 3 và Quốc lộ 4A đều đi qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở, núi cao, suối sâu. Đặc biệt, nguy hiểm luôn rình rập khi tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

[Hà Nội thiệt hại cả tỷ USD mỗi năm vì ‘căn bệnh’ ùn tắc giao thông]

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, chia sẻ Cao Bằng hiện vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước vì không thu hút được đầu tư để phát triển kinh tế. Rất nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân trăn trở về vấn đề này.

Để tháo gỡ điểm nghẽn, đột phá phát triển kinh tế-xã hội, Cao Bằng không có con đường nào khác là phải xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với khu vực lân cận và các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước.

Cũng theo ông Hoàng Xuân Ánh, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung vào quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 144km tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/03/2016 về Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Mặc dù đã được quy hoạch nhưng việc kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc này lại khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sở dĩ dự án cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng không hấp dẫn nhà đầu tư vì tuyến này phải đi qua khu vực địa hình phức tạp, kéo dài, đặc biệt tổng vốn đầu tư lớn.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu về dự án này, nhưng chưa có nhà đầu tư nào thực sự muốn đầu tư dự án.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, lãnh đạo tỉnh đã phải định hướng lại việc thu hút đầu tư; trong đó, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là giải pháp tối ưu.

Tuy vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải tìm được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực mạnh để triển khai đầu tư.

Ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Cao Bằng, khẳng định tuyến đường này sẽ giải quyết 5 vấn đề cho địa phương, nhất là vấn đề chính trị. Bởi, Cao Bằng có đến 95% đồng bào dân tộc; trong đó, tỷ lệ hộ đói, nghèo chiếm đến 70%, khi có đường cao tốc sẽ giúp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Hơn nữa, tuyến đường cao tốc sẽ giúp Cao Bằng tháo gỡ điểm nghẽn để đột phá phát triển kinh tế, đảm bảo phòng thủ quốc phòng.

Những tín hiệu rất khởi sắc

Vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả, một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về đầu tư hạ tầng giao thông đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng về nguyện vọng tham gia nghiên cứu dự án cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết bằng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn đã và đang triển khai các dự án PPP với tổng vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng gồm: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn-Hữu Nghị…

Tập đoàn Đèo Cả có nhiều cơ sở để biến giấc mơ mở tuyến cao tốc từ Trà Lĩnh kéo xuống Đồng Đăng của chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng thành hiện thực.

Theo đánh giá của đơn vị Tư vấn dự án cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng, nếu với Tổng mức đầu tư của dự án quá lớn là 47.000 tỷ đồng sẽ không đảm bảo cho khả năng hoàn vốn của dự án. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần rà soát và nghiên cứu lại.

Điều kiện kiên quyết của việc tối ưu hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh xuất phát từ việc tối ưu hóa phương án đầu tư đoạn cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị (do Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư). Đồng thời, bổ sung thêm 17,5km để kết nối đến hai cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam.

“Do đó để phát huy hiệu quả kết nối khu kinh tế cửa khẩu của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, đơn vị tư vấn đề xuất điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh kết nối vào tuyến đường nối cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng đi cửa khẩu Tân Thanh. Khi đó, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh sẽ rút ngắn xuống còn 115km (giảm 29km so với quy hoạch ban đầu). Đồng thời, kết hợp với việc áp dụng công nghệ thi công hầm xuyên núi để tiết giảm chi phí đầu tư của dự án cao tốc này,” đại diện đơn vị tư vấn phân tích.

Cũng theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn dự án này, tuyến cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng dài 115km được thiết kế với quy mô tương tự các dự án cao tốc Bắc-Nam, bao gồm: 4 làn xe cơ giới, nền đường rộng 17m, tốc độ thiết 80 km/h; trên tuyến xây dựng 18 cầu, 6 hầm đường bộ ngắn (tổng chiều dài 2.550m), 21 hầm giao thông dân sinh...

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với nghiên cứu đề xuất của các nhà đầu tư trước đó.

Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn của dự án theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn là tuyến cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng trong khoảng 10 năm đầu khai thác (2023-2032) đạt khoảng 6.000-10.000 xe/ngày đêm, chỉ bằng 1/3 so với cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn tại cùng thời điểm.

Do đó, để làm tuyến đường này sẽ phải nghiên cứu phương án đầu tư theo hình thức PPP, với tổ hợp nguồn vốn gồm: vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay tín dụng, vốn hỗ trợ của Nhà nước và địa phương cho dự án.

Trao đổi với phóng viên về nguồn vốn hỗ trợ từ địa phương để phương án tài chính của dự án khả thi, ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Cao Bằng, khẳng định: "Làm dự án theo hình thức PPP bắt buộc phải có nguồn vốn Ngân sách tham gia. Đối với phần của địa phương, chúng tôi đã tính toán và đưa ra Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại nhiều cuộc họp và chắc chắc tỉnh sẽ có nguồn để hỗ trợ vốn cho cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng."

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng liên quan đến triển khai đầu tư Dự án tuyến đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Cao Bằng.

Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ việc giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để huy động nguồn vốn và triển khai dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục