Cuối tháng Tư, nhà sáng lập JJPTR Johnson Lee xuất hiện trong một đoạn video lan truyền trên mạng, tuyên bố tin tặc tấn công sàn giao dịch trên mạng của JJPTR làm “thất thoát” trên 500 triệu ringgit của các nhà đầu tư.
Thông tin này khiến nhiều người mất ăn mất ngủ trước nguy cơ trắng hàng tỷ ringgit tiền vốn đã đầu tư vào JJPTR.
Kể từ khi đi vào hoạt động trong hơn hai năm qua, JJPTR đưa ra các chương tài chính mua bán ngoại tệ như “Tài chính thông minh,” “Từ nghèo tới giàu” cùng với lời cam kết, hứa hẹn mang đến lợi nhuận cao, không rủi ro trong thời gian ngắn, do vậy, dù Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) và báo chí đã nhiều lần cảnh báo về các chương trình này nhưng JJPTR vẫn lôi kéo được nhiều người ở Malaysia cũng như ở nước ngoài tham gia.
Cũng giống như các kênh đầu tư không chính thống khác, JJPTR hứa hẹn người tham gia sẽ có lợi nhuận hàng tháng trên 20% số tiền bỏ ra ban đầu, thậm chí 30% hay cao hơn, chính vì vậy đã thu hút nhiều người đầu tư ở Malaysia, trong đó có không ít người Việt Nam đang lao động tại Malaysia và cả các nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc, Canada và Việt Nam.
Theo số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 400 chương trình đầu tư siêu lợi nhuận mờ ám giống như JJPTR đang gặp bê bối ở Malaysia.
[Bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp đa cấp năm 2016]
Mô hình hoạt động của các chương trình lừa đảo khá giống nhau, các đối tượng dụ dỗ người tham gia bỏ càng nhiều tiền thì càng có lãi suất cao.
Các cá nhân và tổ chức lừa đảo thường đánh vào lòng tham, tổ chức những buổi hội thảo rồi thuyết giảng về đầu tư siêu lợi nhuận để trở thành đại gia sau vài tháng.
Người tham gia vì hám lợi dụ dỗ thêm người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp rót tiền vào để được cộng điểm và tăng lãi suất (còn gọi là hình thức đa cấp hay hình tháp ảo).
Nhưng cuối cùng những nhà đầu tư này mất trắng khi các đối tượng lừa đảo đột nhiên mất tích hoặc công ty tuyên bố phá sản hay sàn giao dịch trên mạng đóng cửa.
Trước tình hình trên, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) ngày 3/5 đã đưa ra cảnh báo sẽ mạnh tay với các chương trình tài chính bất hợp pháp thông qua việc áp dụng hàng loạt đạo luật khác nhau, theo đó không chỉ những người tham gia quảng bá các chương trình này mà cả những nhà đầu tư tham gia chương trình cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Các đạo luật có thể được áp dụng bao gồm Đạo luật về BNM, Bộ luật hình sự, các đạo luật về gây quỹ 2016, luật về bán hàng trực tiếp và chống bán hàng đa cấp 1993, luật về chống rửa tiền, chống khủng bố tài chính và các hoạt động trái luật 2001.
BNM cảnh báo người dân không tham gia vào các chương trình tài chính hứa hẹn lợi nhuận hoặc lãi suất cao phi thực tế.
Bên cạnh đó, BNM cũng chỉ đạo các tổ chức tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ kinh doanh cần phải tăng cường giám sát để phát hiện các tài khoản dùng để thực hiện các chương trình, hoạt động gian lận tài chính.
Các tổ chức này cần phải tăng cường chính sách và quy trình kiểm tra danh tính khách hàng (CDD) để xác định các giao dịch đáng ngờ và dòng tiền giữa các tài khoản ngân hàng để tránh việc tạo điều kiện cho các chương trình tài chính bất hợp pháp./.