Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nước sạch, nhà vệ sinh cơ bản và thực hành vệ sinh tốt là rất cần thiết cho sự sống còn và phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, nhiều người ở Việt Nam vẫn có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nước và vệ sinh. Nguyên nhân là bởi việc thiếu tiếp cận với nước sạch và vệ sinh vẫn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở nông thôn.
[107 bệnh nhân được phẫu thuật tim bằng phương pháp Ozaki]
Theo đó, hiện tượng phóng uế bừa bãi vẫn thường được xuất hiện ở các cộng đồng nông thôn cùng với việc sử dụng nhà vệ sinh dưới mức tiêu chuẩn, hơn 9,5 triệu người đi vệ sinh bừa bãi vào môi trường xung quanh - làm ô nhiễm nguồn nước.
Theo các chuyên gia y tế, mức độ rửa tay với xà phòng và nước sạch ở những thời điểm quan trọng còn thấp và điều này thường thấy trong cộng đồng các hộ nghèo và các nhóm dân tộc thiểu số, trong khi tiêu chảy là nguyên nhân chính cho 10 phần trăm trẻ em dưới 5 tuổi tử vong.
Thời gian qua, Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai tại tỉnh Hà Nam đã góp phần giúp nhiều hộ gia đình nông thôn trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình nhà tiêu hợp vệ sinh.
Công trình nhà tiêu hợp vệ sinh là yếu tố để người dân sống trong môi trường trong sạch hơn mà còn giúp cho việc phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nhiều đánh giá từ ngành y tế cho thấy, việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh vẫn là một bài toán nan giải do tập quán của người dân và các hành vi vệ sinh cá nhân chậm thay đổi. Mặt khác, để xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh cũng phải tốn kém một khoản kinh phí vài triệu đồng (chưa kể nếu xây đẹp với nhiều thiết bị hiện đại). Đây là điều khó khăn cho nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, kinh tế hạn hẹp.
Được sự tài trợ của Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, những năm gần đây việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đạt được một số kết quả nhất định. Qua đó, đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, hộ gia đình, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn.
Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh Hà Nam đã có hơn 3.200 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây mới, trong đó hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, chính sách, cận nghèo 515 hộ, mỗi hộ 01 triệu đồng/nhà tiêu; Xây dựng 05 xã vệ sinh toàn xã đạt tiêu chí; 100% hộ gia đình có nhà tiêu, trong đó trên 70% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; Trường học, trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; Duy trì xây dựng 7 xã đạt vệ sinh toàn xã bền vững.
Đây là tiền đề quan trọng giúp tỉnh Hà Nam từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo thạc sỹ Phạm Bá Phong - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hà Nam, địa phương này là một trong những tỉnh được chọn thực hiện Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả giai đoạn 2013 - 2017. Trong chương trình có một hợp phần quan trọng là hợp phần vệ sinh với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và góp phần bảo vệ sức khỏe, chất lượng sống cho người dân nông thôn.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giữ vai trò đầu mối tham mưu về chương trình đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai các hoạt động thuộc hợp phần vệ sinh.
Trung tâm đã tiến hành kiểm tra giám sát các hộ gia đình thuộc diện được Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; mở các lớp tập huấn về nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi cho các cán bộ trung tâm y tế tuyến huyện và lãnh đạo các xã, nhân viên y tế thôn xóm và các hộ gia đình thuộc chương trình.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn đẩy mạnh hướng dẫn người dân các kỹ thuật xây dựng nhà tiêu và cách sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đồng thời, chỉ rõ cho người dân biết, việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh dịch tiêu hóa ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Nhà vệ sinh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo tại các hộ gia đình, nơi làm việc, bệnh viện, trường học… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tập trung, năng suất lao động.
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu trong năm 2018, sẽ lựa chọn 5 xã thực hiện “vệ sinh toàn xã," hỗ trợ xây mới 2.500 nhà tiêu hộ gia đình hợp vệ sinh; đảm bảo 75,5% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trạm y tế có công trình nước sạch và nhà tiêu đạt quy chuẩn để đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người dân./.