Nhiều nghị sỹ Ai Câp muốn sửa hiến pháp về nhiệm kỳ Tổng thống

Tổng thư ký Quốc hội Ai Cập, ông Khaled Al-Sadr cho biết nhiều tân nghị sỹ Quốc hội bày tỏ muốn sửa đổi hiến pháp theo hướng kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống lên hơn 4 năm.
Nhiều nghị sỹ Ai Câp muốn sửa hiến pháp về nhiệm kỳ Tổng thống ảnh 1Nhân viên Ủy ban bầu cử Ai Cập kiểm phiếu tại Giza, thủ đô Cairo ngày 19/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn báo chí sở tại ngày 3/11 cho biết, 213 ứng cử viên đắc cử vào Quốc hội Ai Cập trong bỏ phiếu giai đoạn một diễn ra từ ngày 17-28/10 tại 14/27 tỉnh đã bắt đầu nhận Thẻ nghị sỹ Quốc hội và nhiều tân nghị sỹ Quốc hội bày tỏ muốn sửa đổi hiến pháp theo hướng kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống lên hơn 4 năm.

Tổng thư ký Quốc hội Ai Cập, ông Khaled Al-Sadr cho biết nhiều tân nghị sỹ có ý định đề nghị sửa đổi một số điểm trong Hiến pháp 2014 nhằm kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống.

Theo điều 140 Hiến pháp của Ai Cập được thông qua hồi tháng 1/2014, tổng thống không được tại nhiệm quá 2 nhiệm kỳ, với mỗi nhiệm kỳ là 4 năm.

Phát biểu trước báo giới, nghị sỹ Shadi Abul-Ela nói: "Một nhiệm kỳ của tổng thống cần phải được kéo dài tới 5 năm, từ 4 năm hiện nay. Nhiệm kỳ 4 năm có thể phù hợp với một quốc gia như Mỹ nhưng sẽ không tốt với Ai Cập, một đất nước đang rất cần sự ổn định và một vị tổng thống có quyền lực."

Ông Abul-Ela nhấn mạnh yêu cầu của ông không nhằm mục đích phục vụ cho cá nhân Tổng thống đương nhiệm Abdel-Fattah El-Sisi.

Lập luận về vấn đề này, ông Abul-Ela nói: "Một tổng thống được bầu thường dành năm đầu của nhiệm kỳ đầu tiên để tìm hiểu các vấn đề của đất nước, và lại mất năm thứ tư để chuẩn bị chạy đua nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống. Điều này có nghĩa là trong nhiệm kỳ đầu, tổng thống chỉ có hai năm tìm giải pháp cho các vấn đề của đất nước."

Ông Saeed Hassanein, một nghĩ sỹ đại diện cho tỉnh Giza, cũng khẳng định nhiệm kỳ 4 năm sẽ không đủ cho bất kỳ vị tổng thống nào trong việc điều hành đất nước, nhất là giải quyết các vấn đề chính trị và kinh tế đang phức tạp hiện nay ở Ai Cập.

Theo ông Saeed Hassanein, mục tiêu của điều 140 Hiến pháp 2014 là ngăn chặn tổng thống nắm quyền suốt đời và đảm bảo một tiến trình luân chuyển quyền lực một cách hòa bình.

Nguyên tắc khống chế hai nhiệm kỳ là tốt nhưng mỗi nhiệm kỳ nên được kéo dài 5 năm nhằm đảm bảo tổng thống có đủ thời gian chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước.

Về vấn đề này, một nghị sỹ khác đại diện cho cho tỉnh Assuit, ông Mokhtar Dessouki nhấn mạnh Hiến pháp cần phải được sửa đổi không chỉ nhằm mục đích kéo dài nhiệm kỳ mà còn tăng thêm quyền lực cho tổng thống, giúp tổng thống có đủ thời gian đưa đất nước trở lại con đường ổn định và phát triển kinh tế

Ông Hesham Magdi, một nghị sỹ độc lập của tỉnh Beni Suef, cũng khẳng định ông ủng hộ việc sửa đổi điều 140 Hiến pháp 2014, đồng thời ca ngợi đương kim Tổng thống El-Sisi, một nhân vật luôn hành động vì lợi ích của người dân Ai Cập.

Ngoài ra, nghị sỹ này cho biết: "Nội các mới của Thủ tướng Ismail Sherif rất yếu và thiếu mục tiêu. Chúng tôi sẽ xem xét liệu Chính phủ của Thủ tướng Sherif có xứng đáng hay không."

Tại cuộc bầu cử Quốc hội giai đoạn một diễn ra từ ngày 17-28/10, Liên minh Vì Tình yêu Ai Cập, liên minh ủng hộ Tổng thống đương nhiệm El-Sisi, đã có được chiến thắng vang dội khi giành trọn vẹn cả 60 ghế trong Quốc hội (45 ghế tại tỉnh Giza và Thượng Ai Cập; 15 ghế tại khu vực Tây Đồng bằng Châu thổ sông Nile).

Trong khi đó, Đảng Nour - đảng Hồi giáo duy nhất tham gia chạy đua vào Quốc hội - thất bại hoàn toàn khi không giành được ghế nào.

Xét theo danh sách ứng viên độc lập, các ứng cử viên từng phục vụ dười thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak giành được tổng cộng 84 ghế, chiếm gần 30% tổng số 286 ghế trong Quốc hội tại cuộc bỏ phiếu giai đoạn một.

Xét theo đảng chính trị, 3 đảng thế tục đã chiếm đa số ghế theo danh sách ứng cử viên độc lập tại giai đoạn một cuộc bầu cử Quốc hội Ai Cập, bao gồm Đảng những Người Ai Cập Tự do (FEP), Đảng Tương Lai một Tổ quốc (FHP) và Đảng Wafd.

Theo đó, FEP giành được 36 ghế. FHP - đảng ủng hộ Tổng thống El Sisi - thông báo giành được 30 ghế và đảng Wafd 17 ghế.

Hiện nằm trong liên minh bầu cử Vì Tình yêu Ai Cập nhưng cả ba đảng này đang có lợi thế tốt để thành lập một lực lượng thế tục trong Quốc hội sắp tới.

Giai đoạn hai cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra tại 13 tỉnh còn lại trong 3 ngày từ 21-23/11.

Bầu cử Quốc hội là chặng thứ ba và cũng là chặng cuối cùng của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi hồi giữa năm 2013.

Cuộc bầu cử Quốc hội của Ai Cập trước đó đã được ấn định vào ngày 21/3 nhưng đã bị hoãn lại sau khi Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập phán quyết rằng các đạo luật bầu cử không phù hợp với Hiến pháp, đồng thời ra lệnh ngừng cuộc bầu cử quốc hội cũng như tất cả các công việc chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục